Philippines tập trận với Mỹ và Nhật

Ngày 22-6, Philippines đã cùng tập trận hải quân chung với Mỹ và Nhật trong hai cuộc tập trận riêng rẽ tại nước này.

Cuộc tập trận với Mỹ mang tên Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng trên biển (CARAT) kéo dài hai tuần tại vùng biển Palawan, địa điểm đất liền gần nhất so với các đảo Trung Quốc mới bồi đắp trên biển Đông (160 km).

Mỹ đã điều động một máy bay P3C-Orion tham gia. Đây là loại máy bay Mỹ thường sử dụng để tuần tra biển Đông.

Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc tập trận chung ở Puerto Princesa (thủ phủ tỉnh đảo Palawan), chuẩn đô đốc Mỹ William Merz nhận định: “CARAT là biện pháp thực tế đáp ứng các ưu tiên về an ninh hàng hải, củng cố năng lực của chúng ta và cải thiện khả năng phối hợp giữa các quân đội”.

Về phía nước chủ nhà Philippines, chuẩn đô đốc Leopoldo Alano ghi nhận cuộc tập trận này là cơ hội lớn để tích lũy kinh nghiệm và tăng cường khả năng phối hợp.

Chuẩn đô đốc Mỹ William Merz (trái) và chuẩn đô đốc Philippines Leopoldo Alano tại lễ khai mạc tập trận ở Puerto Princesa ngày 22-6. Ảnh: REUTERS

Lần đầu tiên tàu chiến ven biển USS Fort Worth và tàu cứu nạn USNS Safeguard của Mỹ tham gia tập trận.

Cuộc tập trận chung Philippines-Nhật trong ba ngày tập trung vào nội dung phối hợp tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Nhật đã điều động máy bay tuần tra P3C-Orion tham gia.

Trong khi đó, báo South China Morning Post (Hong Kong) đã đăng ý kiến chuyên gia phản bác lại lập luận của Bắc Kinh nói xây đảo nhằm xây dựng cơ sở khí tượng để dự báo thời tiết tốt hơn.

Phát biểu với Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc), ông Đinh Di Tuệ ở Học viện Công trình Trung Quốc nói: “Xây dựng cơ sở hạ tầng để khảo sát và thu thập thông tin là giai đoạn đầu tiến đến củng cố và cải thiện công tác giám sát khí tượng hàng hải, cảnh báo, dự báo và nghiên cứu khoa học”.

Cũng phát biểu với báo này, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Trung Quốc Trịnh Quốc Quang còn tô vẽ các cơ sở khí tượng xây dựng ở biển Đông rất cần thiết để cải thiện thông tin dự báo thời tiết phục vụ cho toàn khu vực.

Tuy nhiên, chuyên gia Benjamin Herscovitch ở Viện Nghiên cứu độc lập tại Sydney (Úc) nhận định lập luận nêu trên của Bắc Kinh nằm trong khuôn khổ chiến lược đa diện của Trung Quốc.

Lập luận này chứng minh Bắc Kinh không chỉ thực hiện các bước đi nguy hiểm như cải tạo đất, xây đường băng và gây căng thẳng hàng hải trong vùng biển tranh chấp mà còn tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền bằng cách mở rộng các cơ sở dân sự.

Chuyên gia Benjamin Herscovitch nhấn mạnh với chiêu bài xây dựng cơ sở khí tượng, Trung Quốc muốn gia tăng sự hiện diện và củng cố yêu sách chủ quyền ngày càng mạnh hơn trên thực tế.

Một ngày trước Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung ở Washington, Tân Hoa xã ngày 22-6 đã đăng bài viết với đầu đề “Đối thoại Trung-Mỹ sẽ là cơ hội tuyệt vời để tái lập lòng tin lẫn nhau”. Bài viết thừa nhận lòng tin giữa hai bên đã bị hao mòn do tình hình biển Đông và vấn đề an ninh mạng. Bài viết quy cho Mỹ là tác nhân gây rối vì đã chỉ trích Trung Quốc bồi đắp trên biển Đông và Mỹ trở thành chỗ dựa quân sự cho các nước tranh chấp với Trung Quốc.

98 tàu tuần tra mới gồm 71 tàu gần bờ và 27 tàu xa bờ đã được Philippines đặt mua để bổ sung cho đội tàu 20 chiếc hiện nay. AFP ngày 22-6 dẫn nguồn từ Cục Đánh cá và nguồn lợi thủy sản Philippines cho biết như trên. Mục đích để ngăn chặn các tàu đánh bắt trộm của Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm