Phong trào Hồi giáo Hamas là ai?

Sau khi Israel chiếm bờ Tây sông Jordan và dải Gaza từ Ai Cập và Jordan trong cuộc chiến sáu ngày giữa Israel và các nước A rập vào năm 1967, phong trào đấu tranh giành độc lập của người dân Palestine bắt đầu dâng cao.

Hoàn cảnh ra đời

Tháng 12-1987, chiến tranh đá cuội (Intifada) đầu tiên của người Palestine bùng nổ khi xe tăng Israel càn vào trại tỵ nạn Jabalya của người Palestine ở dải Gaza.

Trong tháng này, thủ lĩnh Sheikh Ahmed Yassin đã thành lập phong trào Hamas hoạt động như cánh tay chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập trên dải Gaza. Hamas là từ viết tắt của tiếng A rập Harakat al-Muqawama al-Islamiya, nghĩa là Phong trào kháng chiến Hồi giáo.

Sang năm sau, Hamas công bố hiến chương hoạt động. Hamas kết hợp chủ nghĩa dân tộc Palestine với chủ nghĩa trào lưu chính thống Hồi giáo, xem lãnh thổ hiện nay của Israel cũng như dải Gaza và bờ Tây là mảnh đất thiêng liêng của Hồi giáo và không công nhận Isarel là một quốc gia có chủ quyền.

Hiến chương Hamas cam kết sẽ hủy diệt Israel, thay thế chính quyền Palestine bằng một quốc gia Hồi giáo trên bờ Tây và dải Gaza. Mục 13 của Hiến chương Hamas ghi rõ: “Không có giải pháp nào cho vấn đề Palestine ngoại trừ thánh chiến. Các sáng kiến, đề xuất và hội nghị quốc tế chỉ là những nỗ lực vô ích, phí thời gian”.

Tấn công tự sát chống Israel

Phong trào Hamas bắt đầu tổ chức tấn công Israel từ cuối những năm 1980. Mục tiêu ban đầu là người định cư Do Thái ở bờ Tây và dải Gaza, sau đó mở rộng sang lãnh thổ Israel.

Năm 1992, Hamas thành lập cánh quân sự vũ trang gọi là Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam để tưởng nhớ đến Sheikh Izz ad-Din al-Qassam, người khai sinh phong trào kháng chiến Hồi giáo bị quân Anh sát hại vào năm 1935 ở Haifa (thuộc Israel ngày nay).

Vụ đánh bom tự sát đầu tiên của Hamas được thực hiện vào năm 1993 ở khu định cư người Do Thái Mehola ở bờ Tây. Kể từ đó, Hamas bị nghi ngờ giết hại hơn 500 người trong hơn 350 vụ tấn công dưới hình thức đánh bom tự sát, súng cối, hỏa tiễn...

Từ ngày thành lập, phong trào Hamas cũng đã thực hiện nhiều hoạt động chính trị xã hội. Hamas tổ chức nhiều chương trình giáo dục và cứu trợ, tài trợ cho trường học, trại trẻ mồ côi, bếp ăn từ thiện, đền thờ Hồi giáo, phòng khám, liên đoàn thể thao. Thông qua các chương trình này, Hamas cũng có cơ hội tuyên truyền và tuyển dụng người.

Phần lớn nguồn tài chính của Hamas đến từ kiều bào Palestine, các nhà tài trợ tư nhân ở Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh giàu dầu lửa. Ngoài ra, một số tổ chức từ thiện Hồi giáo ở Mỹ, Canada và Tây Âu cũng tài trợ cho các tổ chức dịch vụ xã hội do Hamas đỡ đầu.

Hamas đối đầu PLO/Fatah

Tiến trình hòa bình Trung Đông phức tạp phần lớn do xung đột nội bộ Palestine giữa phong trào Hamas và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) do đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas cầm đầu.

Hamas hoạt động theo những lời chỉ dạy tôn giáo chứ không thông qua quyết định chính trị như PLO. Khác với Hamas, PLO đã công nhận nhà nước Israel từ năm 1988 và cam kết giải quyết vấn đề Palestine thông qua đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, người dân Palestine lại đánh giá cao Hamas qua các dịch vụ xã hội.

Năm 2006, Palestine tổ chức bầu cử Quốc hội đầu tiên. Hamas được người dân Palestine ủng hộ rộng rãi và đã giành thắng lợi vuợt trội với 76/132 ghế Quốc hội. Thủ lĩnh Ismail Haniyeh làm thủ tướng.

Cuộc đối đầu chính trị giữa đảng Fatah và Hamas nhanh chóng biến thành các cuộc đọ súng trên đường phố ở dải Gaza. Các nước A rập phải giảng hòa, cuối cùng hai bên đồng ý chia sẻ quyền lực cùng điều hành lãnh thổ Palestine.

Tháng 3-2007, chính phủ Palestine tuyên thệ. Thế nhưng ngay sau đó, đảng Fatah và Hamas lại tiếp tục xung đột. Ba tháng sau, lực lượng Hamas chiếm các trụ sở của đảng Fatah ở dải Gaza và kiểm soát hầu hết dải Gaza. Tổng thống Mahmoud Abbas buộc phải chạy qua bờ Tây.

Ông Mahmoud Abbas tuyên bố giải thể chính phủ, ban bố tình trạng khẩn cấp ở dải Gaza và bổ nhiệm thủ tướng mới thay thế ông Ismail Haniyeh.

Tháng 9-2007, Israel tuyên bố dải Gaza do Hamas cầm quyền là khu vực thù địch và đã thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế ở dải Gaza. Đối với Hamas, đây là tuyên bố chiến tranh và từ đó tăng cường bắn pháo sang Israel.

Sau khi thủ lĩnh Sheikh Ahmed Yassin bị Israel ám sát chết vào tháng 4-2004, Abdel Aziz al-Rantissi (đồng sáng lập phong trào Hamas) lên lãnh đạo. Một tháng sau, thủ lĩnh này cũng bị ám sát. Ông Ismail Haniyeh lên thay và nắm quyền lãnh đạo Hamas đến nay. Hiện nay, Anh, Úc, Canada, Israel, Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu đều đưa phong trào Hamas vào danh sách khủng bố.

LÊ LINH (Theo Ynetnews, BBC, Washington Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm