Tổng Thư ký NATO: Không gì bảo đảm liên minh không tan vỡ!

Hội nghị thượng đỉnh Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp diễn ra vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, những ngày này Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg liên tục lên tiếng lo ngại nguy cơ liên minh tan vỡ.

Phát biểu tại London (Anh) ngày 21-6, ông Stoltenberg thừa nhận “chuyện gắn kết xuyên Đại Tây Dương không phải được viết trên đá là sẽ tồn tại mãi mãi”, lo ngại sự gắn kết giữa châu Âu và Bắc Mỹ đang yếu dần. Tại Anh ngày 21-6 ông Stoltenberg có cuộc gặp với Thủ tướng chủ nhà Theresa May, chuẩn bị cho thượng đỉnh NATO đầu tháng tới.

Theo ông Stoltenberg, giữa lúc thế giới đang đối mặt “một môi trường an ninh chưa có tiền lệ vì khủng bố, vì sự sinh sôi vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì tấn công mạng và vì nước Nga ngày càng cứng rắn” thì “duy trì đối tác xuyên Đại Tây Dương là quyền lợi chiến lược của chúng ta”. Ông kêu gọi các nước nỗ lực vực dậy liên minh quân sự NATO.

(Từ phải qua): Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 25-5-2017. Ảnh: ATLANTIC SENTINEL

(Từ phải qua): Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 25-5-2017. Ảnh: ATLANTIC SENTINEL

Trong một bài viết trên Guardian (Anh) hai ngày trước đó, ông Stoltenberg cũng bày tỏ lo ngại về tương lai NATO. Ông cho rằng sự chia rẽ giữa Mỹ từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống và các đồng minh châu Âu không hề giảm đi, không có gì chắc chắn quan hệ xuyên Đại Tây Dương và liên minh quân sự sẽ sống sót.

Ông Stoltenberg dẫn ra căng thẳng giữa ông Trump với Thủ tướng Đức Angela Merkel quanh chính sách nhập cư và những khó khăn nội bộ của bà, thừa nhận “những đám mây mù chính trị” đang làm xấu đi quan hệ các đồng minh NATO.

Ông Stoltenberg kêu gọi tất cả thành viên NATO tránh có hành động phá vỡ sự thống nhất của phương Tây. Theo ông, dù có bất đồng nhưng các thành viên phải hạn chế mọi ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác an ninh của khối.

“Từ khi liên minh được thành lập gần 70 năm trước, người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ đã được hưởng một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng chưa hề có trước nay. Nhưng ở mức độ chính trị, các sợi dây nối chúng ta đang bị kép căng.

Có những bất đồng thực sự giữa Mỹ và các đồng minh khác quanh nhiều vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các bất đồng này có thật và chúng sẽ không biến mất trong một đêm. Sự thực không gì chắc chắn sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương sẽ luôn tốt đẹp. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa chuyện đổ vỡ là không thể tránh được. Chúng ta có thể gìn giữ nó và nhận được những lợi ích qua lại từ nhau” - ông Stoltenberg viết trên Guardian.

(Từ trái qua): Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 25-5-2017. Ảnh: AFP

(Từ trái qua): Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 25-5-2017. Ảnh: AFP

Ông Stoltenberg bày tỏ lo lắng về tương lai NATO trong bối cảnh quan hệ giữa ông Trump và các lãnh đạo phương Tây đang cực kỳ nhạy cảm.

Ông Trump đầu tuần này chỉ trích dữ dội chính sách nhập cư của bà Merkel và Liên minh châu Âu (EU), gọi EU là “trại nhập cư”.

Bà Merkel đang trong thế giằng co với Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer về chính sách nhập cư. Bà Merkel chỉ còn thời gian từ giờ đến hết tháng 6 để thuyết phục, thống nhất một giải pháp nhập cư với các lãnh đạo châu Âu, nếu không liên minh cầm quyền sẽ đổ vỡ và bà có nguy cơ lớn phải mất chức thủ tướng.

Trước đó, sau ba tháng đe dọa, đầu tháng 6 ông Trump chính thức áp thuế nhập khẩu lên nhôm và thép EU, Canada, Mexico, khơi mào cuộc chiến thương mại với các đồng minh.

Trước những chuyện này ông Trump cũng đã làm rạn nứt quan hệ với các đồng minh truyền thống khi quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Còn nhớ lần đầu đối mặt các lãnh đạo liên minh tại thượng đỉnh NATO tháng 5-2017 ông Trump đã lên tiếng đòi các nước NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, phải chia sẻ gánh nặng chi phí liên minh với Mỹ.

Trong 29 thành viên NATO chỉ có tám nước - trong đó có Mỹ, Anh - chi hơn 2% GDP cho quốc phòng, mức các thành viên đã thống nhất sẽ đạt được toàn bộ vào năm 2024. Riêng Đức năm ngoái chỉ chi 1,2% GDP cho quốc phòng.

Chia sẻ gánh nặng chi phí cũng sẽ là một chủ đề được bàn đến trong thượng đỉnh NATO lần này. Theo Guardian, với tình hình thượng đỉnh NATO năm ngoái, có khả năng lần này ông Trump cũng sẽ nhấn mạnh đến gánh nặng mà Mỹ phải chịu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm