Quan chức Ngoại giao Anh nói về biển Đông, 'chọc giận' Trung Quốc

Theo hãng tin Reuters ngày 20-4, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Nam Á - ông Hugo Swire hôm 19-4 kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan). Ông này nói rằng nước Anh nhận thấy phán quyết là cơ hội cho cả Trung Quốc và Philippines tái khởi động những đối thoại giữa hai bên về vấn đề biển Đông. Phán quyết của tòa dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Nam Á, ông Hugo Swire. Ảnh: Huffington Post

Đáp trả những phát biểu của ông Hugo Swire, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 20-4 nói: “Những phát biểu của ông Swire đã bỏ qua tình hình thực tế, phiến diện và mang tính phân biệt đối xử, đi ngược lại hoàn toàn với cam kết giữ quan điểm trung lập của Anh trước đây” - Tân Hoa Xã trích dẫn. “Chúng tôi cực lực phản đối những phát biểu này của ông Swire” - bà Hoa nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng căng thẳng trên biển Đông là lỗi thuộc về Mỹ và Philippines gây ra chứ không phải do Trung Quốc, vì các tàu và máy bay của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này.

“Thực tế đã chứng minh rằng nếu tình hình biển Đông thực sự trở nên căng thẳng thì đó là do Mỹ, kẻ có trách nhiệm lớn nhất trong việc này” - bà Hoa nói. Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Oánh lại không nhắc gì đến việc Trung Quốc đang ráo riết tăng cường xây dựng các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự trái phép trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều quốc gia trong khu vực đều lo ngại trước các động thái quân sự hóa của Trung Quốc gây căng thẳng về hòa bình và an ninh.

Bà Hoa Xuân Oánh nhắc lại rằng Trung Quốc không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện với Philippines. Trung Quốc coi đây là hành vi lạm dụng luật pháp quốc tế. Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc nên tuân thủ các phán quyết của tòa The Hague. Tuy nhiên, các phán quyết của tòa The Hague không mang tính ràng buộc và đã từng bị lờ đi trước đây.

Việc Anh đặt ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và chào đón Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 10 năm ngoái đã dẫn đến những lời chỉ trích cho rằng Anh đặt lợi ích kinh tế ngắn hạn lên trên vấn đề nhân quyền và các vấn đề an ninh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm