Chuyện chưa kể về những người lính trong lũ dữ

Được cử vào vùng ngập sâu nhất của tỉnh Bình Định trong cơn lũ dữ vừa qua; cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn PK573 và Ban chỉ huy quân sự thị xã An Nhơn (Bình Định) đã cứu trợ kịp thời hàng nghìn người dân.

Những tình huống “có một không hai”

Ở thôn Hoài Nghi – Nhơn Hòa, có bà cụ ngoài 70 tuổi ở một mình trong ngôi nhà ngập. Lúc các chiến sĩ bơi vào nhà đưa bà lên ca nô, bà đã cởi phăng chiếc áo trên người cho vào túi ni lông, tình huống bất ngờ khiến mọi người có phần lúng túng. Thì ra, bà chẳng còn chiếc áo nào để mặc, nên phải cởi chiếc áo trên người, cố giữ cho khô.

những người lính, trắng đêm, lũ dữ, hiểm nguy, Bình Định

Những chiến sĩ cứu hộ của Quân khu 5 trong lũ dữ

những người lính, trắng đêm, lũ dữ, hiểm nguy, Bình Định

Những chiến sĩ cứu hộ của Quân khu 5 trong lũ dữ

Một số người dân lo khi nước rút, kẻ gian vào nhà lấy trộm tài sản, nên quyết bám trụ không chịu di dời đến nơi an toàn.

Mỗi trường hợp như vậy, anh em phải kiên trì thuyết phục, vận động để bà con hiểu “tính mạng con người là quý nhất”. Tài sản của bà con, sẽ có lực lượng dân quân thường xuyên tuần tra, giám sát, không để kẻ gian lợi dụng lúc hỗn loạn hôi của.

Một người đàn ông quyết không chịu lên ca nô cứu hộ vì còn 3 con bò đang để trong nhà. Các chiến sĩ cứu hộ phải ra sức giải thích rằng “ca nô đang tập trung cứu người, nếu chở trâu bò sẽ không còn chỗ chở người”, nhưng ông kia vẫn khăng khăng “cho bò lên thì tôi mới đi”.

Tình huống quá khẩn cấp, cuối cùng anh em đành phải cưỡng chế, ép ông lên ca nô.

“Trong muốn ra, ngoài muốn vào”

Ở phường Nhơn Hòa, lũ lên nhanh đến mức, nhiều người trong làng buổi trưa để con cái ở nhà đi làm, buổi chiều đã bị nước cô lập, không thể về nhà.

Trong khi lực lượng cứu hộ đang cố gắng giảm bớt quân số trên ca nô để mỗi chuyến chạy vào vùng lũ cứu được nhiều người hơn, thì nhiều người vì lo cho người thân nên thấy ca nô cập bờ lại tự ý nhảy lên, năn nỉ khóc lóc xin cho đi cùng.

Mệt, đói và căng thẳng xong anh em vẫn phải cố thuyết phục để mọi người hiểu và thông cảm, cứ thêm một người vào sẽ phải bớt một người ra.

những người lính, trắng đêm, lũ dữ, hiểm nguy, Bình Định

Chăm sóc người già, bị thương tích

Tuy nhiên nhiều người tỏ ra không thông cảm vẫn khăng khăng cho rằng bộ đội gây khó dễ với dân.

Có danh sách cụ thể những người còn mắc kẹt trong các ngôi nhà. Nhưng mỗi chuyến đi, các anh vẫn cần “hoa tiêu” là những thanh niên của các thôn, vì họ thạo đường, thạo nhà, sẽ thuận lợi hơn cho việc cứu hộ.

Thế nhưng khi đường ngập, chỉ thấy nóc nhà, nhiều “hoa tiêu” bị mất phương hướng, không thể xác định đâu là nhà ai. Giữa đêm khuya, anh em phải đi khắp các thôn, dùng loa, đèn pin để “mót” những ai còn sót lại trong các ngôi nhà.

Lượng người cần di chuyển rất đông, những chuyến ca nô khi trời chưa tối, cần được ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em và những người già. Song không phải ai cũng hiểu điều này.

Có gia đình 4 – 5 thanh niên trai tráng cũng đòi đi bằng được những chuyến đầu tiên. Khi không thể đi ngay, nhiều người đã có những lời nói, cử chỉ khiếm nhã với các chiến sĩ cứu hộ.

“Vất vả, hiểm nguy cận kề”

Chiều ngày 15/11, Trung tá Hồ Mười, Ban CHQS thị xã An Nhơn chỉ huy bộ đội điều khiển 2 ca nô đi ứng cứu các xã bị ngập nặng. Sau khi “quyét sạch” tại xã Nhơn Lộc, một chiếc ca nô của đơn vị tiếp tục cơ động lên xã Nhơn Phúc. Khoảng 18 giờ, khi vượt qua bờ tràn, do nước xiết và xoáy, ca nô đã bị lật úp.

Thiếu tá Lê Thanh Chánh may mắn bơi nhanh được vào bờ, tới UBND xã Nhơn Phúc nhờ lực lượng địa phương ứng cứu. Do nước xoáy rất hung hãn, chiếc xuồng nhỏ không đi được, phải neo vào một cây cột điện chờ chiếc ca nô còn lại của Ban CHQS thị xã An Nhơn đến trợ giúp. Thoát hiểm trong gang tấc, chưa kịp nghỉ ngơi, những chiến sĩ thị xã An Nhơn lại tiếp tục hành trình cứu trợ người dân.

những người lính, trắng đêm, lũ dữ, hiểm nguy, Bình Định

Hình ảnh những chiến sĩ Quân khu 5 lao vào cơn lũ dữ ứng cứu nhân dân sẽ còn in đậm trong tâm trí những người dân nơi đây.

Trời tối, cọc tiêu hai bên đường đã ngập sâu trong nước, Thiếu uý Bùi Anh Kiên, lái ca nô và một chiến sĩ nữa nhảy xuống đường, dùng chân và cây chống dò đường để chiếc Gát 66 (xe kéo ca nô) do Thiếu tá Nguyễn Mậu điều khiển nhích từng dần mét.

Anh Mậu cho biết: “Chưa bao giờ tôi lái xe giữa đêm đen trong biển nước mênh mông như thế. Nước chảy xiết từ bên trái qua phải, tôi cho xe bám sát mép bên trái, giữ thật chắc vô lăng, bởi chỉ cần sơ sẩy là cả người và phương tiện đều có thể lăn xuống ruộng”.

Thiếu úy Nguyễn Thành Duy tham gia cứu hộ từ 4 giờ chiều ngày 15/11. Đêm hôm ấy anh đã nhảy xuống nước hàng chục lần, cùng đồng đội cứu được gần 200 người dân đang bị nước lũ cô lập. Điện thoại của anh vì nhiều lần nhảy xuống nước không kịp bỏ ra, giờ chẳng khác nào cục gạch.

Trung sĩ Nguyễn Minh Tân tếu táo “em chưa được đi máy bay, nhưng đã được đi trên dây điện”. Nước lũ dâng cao, nhấn chìm những đường dây điện chằng chịt. Cũng có nơi, anh em phải căng mắt đề phòng, sợ dây điện vướng vào người sẽ rất nguy hiểm…

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng con số hàng nghìn người dân được cứu hộ giữa biển nước mênh mông, nơi tâm lũ đã khiến các chiến sĩ ấm lòng.

Sau cứu hộ, những ngày tới họ tiếp tục hành trình hỗ trợ người dân khôi phục sau cơn lũ dữ…   

Theo Việt Hùng (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm