Lo ngại nước Nga, Ba Lan tăng cường vũ trang

Tháng trước, trong phát biểu của mình, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc phòng trước sự "hiếu chiến" của Nga, hàm ý đến các cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine và tái sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, phía Nga từ trước đến nay luôn phủ nhận các cáo buộc can thiệp, do phương Tây không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.

"Và chúng ta có thể chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Ba Lan luôn quan tâm đến việc xây dựng nhà nước vững mạnh, an ninh vững chắc với quân đội hùng mạnh" - đài phát thanh Polskie dẫn lại tuyên bố của ông Duda.

Trong nỗ lực đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan đã ký kết một hợp đồng mua 64 xe súng cối tự hành 120 mm RAK (Cancer) và 32 xe chỉ huy pháo binh trị giá hơn 252 triệu USD. Việc sản xuất các thiết bị quân sự sẽ được thực hiện bởi tập đoàn Huta Stalowa Wola S.A. (HSW) và công ty quốc phòng thuộc nhà nước Rosomak S.A. Theo đó việc giao hàng sẽ được hoàn thành vào năm 2019.

Chính phủ tại Warsaw đã và đang tăng cường trang bị quân sự cho quân đội Ba Lan với vũ khí và trang thiết bị quân sự mới sau sự can thiệp của Nga ở nước láng giềng Ukraine.

Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ba Lan Bartłomiej Misiewicz nói rằng quân đội cũng có kế hoạch mua 24 máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache trị giá 1,4 tỉ USD.  "Việc soạn thảo các yêu cầu chiến thuật-kỹ thuật cho các thiết bị đã được hoàn thành và vào cuối tháng 6, Bộ sẽ quyết định phương thức mua trực thăng" - ông Misiewicz nói.

Tổng cộng, Ba Lan có kế hoạch chi khoảng 62 tỉ USD cho hiện đại hóa quân sự của mình, gấp đôi ngân sách của chính phủ trước đó đề xuất. "Theo ước tính, quy mô quân đội Ba Lan sẽ lớn hơn ít nhất 50% trong những năm tới. Sẽ có thêm ba lữ đoàn bảo vệ lãnh thổ của đất nước trên sườn phía đông" - Bộ trưởng Quốc phòng Antoni Macierewicz nói.

Nỗ lực chạy đua vũ trang của Ba Lan được thực hiện nhằm ngăn chặn những động thái của Nga khiến Ba Lan cảm thấy lo ngại. "Chúng ta đều biết rằng nước Nga trở lại chính sách đế quốc, bất kể vi phạm quyền lợi và an ninh của các nước khác" - Tổng thống Duda cáo buộc.

Tuy nhiên, theo Tomasz Jankowski của Trung tâm phân tích địa lý-chính trị châu Âu, đó chỉ là cái cớ để các nước khối NATO tăng cường trang bị quân sự. "Về thuật ngữ" sườn phía đông, "chúng ta cần phải tự hỏi “sườn phía đông” nào? Của Ba Lan hay là của NATO" - Jankowski nói. “Thực chất Ba Lan chỉ là một nước cờ của NATO và là đối tượng của ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang khao khát thị trường”.

Ba Lan sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 nhằm khuyến khích các nước đồng minh tăng cường tập trận và trang bị quân sự cho khu vực Trung và Đông Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm