Tàu sân bay USS Nimitz áp sát Triều Tiên mạnh thế nào?

Theo nguồn tin từ tờ Asahi, đội tàu tác chiến Nimitz theo lịch trình ban đầu sẽ được triển khai tới vùng Trung Đông và xuất phát từ căn cứ hải quân Kitsap ở bang Washington và ngày 1-6 tới.

Tuy nhiên, hải quân Mỹ thay đổi chiến thuật và quyết định triển khai siêu tàu này tới Tây Thái Bình Dương và ở lại đây trong vòng sáu tháng để đối phó khủng hoảng mới nhất liên quan tới Triều Tiên, nguồn tin cho biết.

Tàu sân bay USS Nimitz của hải quân Mỹ. Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu USS Nimitz sẽ dẫn đầu đội tàu tấn công 11 tiến về Tây Thái Bình Dương. Đội tàu tấn công 11 bao gồm tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Shoup và USS Kidd thuộc căn cứ Everett, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Howard và USS Pinckney, tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Princeton từ San Diego cùng đội bay Carrier Air Wing 11.

Sau khi trở về từ đợt triển khai gần đây nhất vào năm 2013, USS Nimitz trải qua quá trình bảo dưỡng và hiện đại hóa kéo dài 20 tháng tại xưởng đóng tàu hải quân Puget. Quá trình này kết thúc vào tháng 10-2016, theo Washington Free.

USS Nimitz có gần bảy tháng trên biển để tham gia huấn luyện và kiểm tra cho đợt triển khai mới này, theo chỉ huy Kevin Lenox. “Tôi rất tự hào về toàn thể đội ngũ con tàu USS Nimitz cùng với sự phối hợp và ủng hộ tuyệt vời từ toàn bộ đội tàu tấn công, đặc biệt là trong thời gian huấn luyện gắt gao này” - ông Lenox nhấn mạnh.

Trực thăng MH-60S Seahawk của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz vào tháng 12-2013. Ảnh: SEAFORCES

Tàu USS CVN-68 Nimitz là một siêu tàu thuộc Hạm đội 3 của hải quân Mỹ và là tàu sân bay hàng đầu trong số các tàu sân bay thuộc lớp Nimitz.

Là một trong các tàu chiến lớn nhất thế giới, tàu sân bay này được hạ thủy, triển khai và biên chế với tên gọi ban đầu là CVAN-68 nhưng sau đó được đặt lại là CVN-68 (tàu sân bay đa nhiệm chạy bằng năng lượng hạt nhân) vào ngày 30-6-1975.

Tàu này được đặt theo tên của chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ 2 Chester W. Nimitz. Người này cũng từng là đô đốc Hạm đội 3 của hải quân Mỹ.

Mô hình cấu tạo của tàu USS Nimitz. Ảnh: theblueprint.com

Với tổng chiều dài 333 m và thể tích choán nước trên 100.000 tấn dài, tàu sân bay lớp Nimitz là những tàu chiến lớn nhất trên thế giới. Thay vì sử dụng turbine khí hay sử dụng hệ thống đẩy bằng điện-diesel như nhiều tàu chiến hiện đại khác, tàu sân bay này sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân A4W  tạo ra hơi nước áp lực cao làm xoay bốn trục cánh quạt.

Tốc độ tối đa của tàu là 56 km/giờ và công suất cực đại vào khoảng 190 MW. Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu sân bay này có thể hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần nạp nhiên liệu và dự đoán có thời gian phục vụ là trên 50 năm. Các tàu sân bay thuộc lớp Nimitz được đánh số liên tục từ CVN-68 đến CVN-77, theo Wikipedia.

Cảnh chia tay của thủy thủ đoàn trên tàu USS Nimitz khi tàu chuẩn bị xuất quân vào năm 2013. Ảnh: SEATTLE TIMES

Đây là lần ra quân thứ hai của tàu sân bay USS Nimitz sau khi được triển khai gần đây nhất vào năm 2013. Vào 30-3-2013, USS Nimitz được triển khai nhằm hỗ trợ Chiến dịch Tự do bất diệt (Operation Enduring Freedom) tại Afghanistan mà Mỹ phát động để đáp trả sau cuộc khủng bố 11-9-2001.

USS Nimitz đã thực hiện sứ mệnh tại đây trong tám tháng rưỡi, trang tin Nimitz.navy.mil cho biết. Trong suốt chiến dịch, các thành viên tham gia chiến dịch ở Afghanistan và biển Đỏ. Ban đầu, họ được thông báo trở về nhà vào tháng 8-2013, song đợt triển khai đã phải kéo dài thêm do khủng hoảng Syria, theo NBC News.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.