Tên lửa mới của Triều Tiên không thể đánh tới căn cứ Mỹ

Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), quân đội Hàn Quốc ngày 22-5 cho biết Pukguksong-2, tên lửa đạn đạo mới được phát triển của Triều Tiên, chỉ là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) với tầm hoạt động 2.500 km.

Điều này đồng nghĩa với việc Pukguksong-2 không thể chạm đến đảo Guam vì đảo này nằm cách Triều Tiên khoảng 3.500 km. Đảo Guam hiện đóng vai trò là trung tâm tiến hành kiêm tiếp liệu cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Á. Đây cũng là nơi đóng của một vài máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

“Xét về đoạn đường bay khi được phóng ở một góc thường như vậy, đây được xem là một tên lửa đạn đạo tầm trung” - Roh Jae-cheon, người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), trả lời báo giới ngày 22-5.

Triều Tiên nói sẵn sàng triển khai tên lửa Pukguksong-2 phục vụ chiến đấu. Ảnh: YONHAP

Một tên lửa đạn đạo tầm trung được cho là có tầm bắn 800-2.500 km, theo Yonhap. Tuyên bố của ông Roh được đưa ra sau khi Triều Tiên cho biết nước này hôm 21-5 đã thử thành công loại tên lửa mới nhất.

Được phóng từ một địa điểm ở đông bắc Bình Nhưỡng, tên lửa trên đã đạt được độ cao khoảng 560 km và bay được hơn 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Truyền thông Triều Tiên nói rằng vụ thử nghiệm tên lửa Pukguksong-2 có sử dụng nhiên liệu rắn đã được tiến hành dưới sự giám sát của lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un.

“Nói một cách tự hào rằng tỉ lệ trúng mục tiêu của Pukguksong-2 là rất chính xác và đây là một vũ khí chiến lược thành công, ông ấy (Kim Jong-un) đã đồng ý triển khai hệ thống vũ khí này phục vụ chiến đấu” - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nói.

Khi được hỏi liệu tên lửa Pukguksong-2 có thể tấn công tới đảo Guam hay không, ông Roh nói rằng Triều Tiên dường như vẫn chưa có năng lực đó. Vị quan chức cũng cảnh báo về việc liệu Triều Tiên hiện sở hữu được công nghệ “tái xâm nhập” trong chương trình phát triển tên lửa của nước này hay chưa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.