Trung Quốc học cách đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Tạp chí National Interest (Mỹ) chuyên về quan hệ quốc tế hôm 16-5 cho biết, hồi đầu năm 2015, từng xuất hiện một báo cáo gây không ít sự tò mò và xôn xao trong giới quân sự. Báo cáo rõ ràng được Bộ Quốc phòng Pháp công bố nhưng sau đó biến mất không một dấu vết. Báo cáo này đề cập tới màn tác chiến thành công của tàu ngầm hạt nhân Saphir (Pháp) trong một cuộc tập trận giả định đối đầu cụm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ.

Pháp có câu trả lời?

Ngay từ lúc được công bố, báo cáo trên đã khiến giới chuyên gia quân sự phần nào đó bị “sốc” khi nói rằng tàu ngầm hạt nhân Pháp đã đánh chìm được một nửa cụm tác chiến tàu sân bay của Mỹ trong suốt cuộc tập trận. Chính nội dung có phần gây xôn xao này có thể lý giải cho việc tại sao báo cáo này đã được thu lại ngay tức khắc.

Những thông tin được tiết lộ nói rằng một tàu sân bay của Hải quân Mỹ vẫn có khả năng ăn “đòn tử” của một tàu ngầm hạt nhân đã không lan truyền quá nhiều trên truyền thông lúc bấy giờ. Nhiều nhà phân tích quốc phòng cũng không đề cập nhiều về nó sau đó. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông chuyên về quốc phòng TQ đã không bỏ lỡ thời cơ này, đặc biệt là những bàn tán về năng lực của các tàu sân bay Mỹ.

Một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đậu tại cảng hải quân Ngong Shuen Chau ở Hong Kong. Ảnh: REUTERS

Trong một bài báo số đặc biệt hồi năm 2015, tạp chí Binh Công Khoa Kỹ (TQ) từng phân tích về “sự kiện” này thông qua một cuộc phỏng vấn với GS Trì Quốc Thương (Chi Guocang) đến từ Học viện tàu ngầm TQ dưới tựa đề: “Chỉ một tàu ngầm hạt nhân đã có thể đánh chìm một nửa cụm tác chiến tàu sân bay”.

GS Trì thời điểm đó nói rõ, ông hiểu rằng “diễn tập không thể nào đem ra so sánh với chiến tranh thực tế” và hơn nữa ông đánh giá hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) của Hải quân Mỹ là một hệ thống “hiệu quả cao” gồm nhiều lớp phòng thủ để bảo đảm sự an toàn cho các tàu sân bay. Tuy nhiên, ông kết luận rằng báo cáo của Pháp “có độ khả tín khá cao” và sẽ giúp kiểm tra những những lập luận của ông về khía cạnh này, từ đó giúp hiểu rõ quan điểm hiện nay của TQ về việc tận dụng tàu ngầm hạt nhân trong chiến tranh hải quân hiện đại.

Ngay từ những phút đầu của cuộc phỏng vấn, GS Trì nhận định tàu ngầm là “khắc tinh” của các tàu sân bay. Ông lý giải, trong suốt Thế chiến II, trên dưới 17 hàng không mẫu hạm đã bị các tàu ngầm đánh chìm. Hơn thế, giáo sư Trì còn chỉ ra rằng có tám trong số 17 tàu sân bay này đã bị giáng “đòn tử” bởi lực lượng tàu ngầm Mỹ.

Sau đó, GS Trì đề cập nhiều lần đến một cuộc chiến không phải Thế chiến II, mà đúng hơn là chiến tranh Falkland. Cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đầy khốc liệt từ đầu những năm 1980 này dường như đã có ảnh hướng lớn đối với quá trình phát triển của Hải quân TQ, khiến Bắc Kinh chú trọng vào việc phát triển tên lửa hành trình chống hạm (ASCM).

Vị chuyên gia cho biết tàu ngầm hạt nhân Anh HMS Conqueror thời điểm đó đã có năng lực theo dõi tàu tuần dương General Belgrano của Argentina trong khoảng thời giạn 50 tiếng đồng hồ mà không bị phát hiện trước khi bắn “phát ngư lôi kết liễu” tàu tuần dương này. Đây là một minh chứng về năng lực của các tàu ngầm hạt nhân hiện đại. Tuy nhiên, ông nhận định hệ thống săn ngầm ASW của Hải quân Argentina dĩ nhiên không thể nào đem ra so sánh được với hệ thống ASW của Mỹ.

Cuộc săn tìm "tử huyệt" của tàu sân bay Mỹ

Khi được hỏi “Liệu ông có thể lý giải tại sao Hải quân Pháp lại có thể thoát khỏi màn hình săn ngầm ASW đáng gờm quanh tàu sân bay USS Roosevelt và đánh chìm tàu sân bay này cùng một số tàu hộ tống của nó hay không?”, GS Trì đã đưa ra nhiều giả thuyết liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, yếu tố được ông nhấn mạnh nhiều nhất là lượng giản nước nhỏ của tàu ngầm Pháp. Ông nói rằng chiếc tàu ngầm lớp Rubis của Pháp là tàu ngầm hạt nhân nhỏ nhất trên thế giới (lượng giãn nước 2.670 tấn), do đó các hệ thống săn ngầm sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phát hiện nó.

Theo vị chuyên gia TQ, tàu ngầm lớp Los Angeles (Mỹ) được dùng để bảo vệ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong khi đó lại có lượng rẽ nước lớn gấp ba lần tàu ngầm Pháp, khiến tàu ngầm Mỹ gặp bất lợi, đặc biệt trong tình huống cả hai hạm đội đối đầu có cùng mức độ tác chiến thành thạo.

Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia tàu ngầm TQ ngưỡng mộ những tàu ngầm có lượng giãn nước nhỏ của Pháp. Họ cho rằng các tàu ngầm thế này có thể đặc biệt thích hợp cho việc triển khai ở các vùng biển nông của Tây Thái Bình Dương. Hơn nữa, chuyên gia này còn lập luận rằng với tốt độ tối đa tương đối thấp (45 km/giờ), đây cũng không đáng được xem là yếu thế lớn của tàu ngầm hạt nhân Pháp.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ (trước). Ảnh: US NAVY

Vị chuyên gia TQ giải thích thêm, những khí tài săn ngầm trên không của Mỹ thường phụ thuộc khá nhiều vào các hệ thống radar. Do đó, ông kết luận, cuộc săn ngầm tàu ngầm hạt nhân của hệ thống ASW từ trên không giống như “Đại hải lao châm” (mò kim đáy biển). Trong số các lập luận được nêu ra trong phần phân tích này, còn có lập luận nói rằng thực tế các nhóm tác chiến tàu sân bay càng lớn về quy mô, thì nó càng dễ bị các tàu ngầm theo dõi ở khoảng cách xa. GS Trì ngoài ra cũng nhấn mạnh rằng việc triển khai các vũ khí ASW có thể vô tình đem lợi cho quá trình “tẩu thoát” của một tàu ngầm vì các vũ khí này có thể gây phức tạp đáng kể môi trường âm thanh, khiến cuộc tìm kiếm các tàu ngầm bằng radar bị cản trở.

Một lời lý giải khác cho “chiến lợi phẩm phi thường” của tàu ngầm Saphir có thể là do chính khả năng của người chỉ huy Pháp trong việc tận dụng các điều kiện thủy âm học phức tạp. GS Trì liệt kê một danh sách dài các điều kiện như vậy, trong đó có các hiện tượng phổ biến như “vùng hội tụ”, “dốc tốc độ âm thanh”, “xoáy nước lạnh” và “hiệu ứng chiều”. Tương tự, vị chuyên gia TQ cho biết thời tiết có thể là yếu tố chính giúp ích cho các tàu ngầm vì nó có thể cản trở đáng kể các hoạt động trên mặt nước, đặc biệt là của các lực lượng ASW trên không trong khi không gây ảnh hưởng nhiều cho các hoạt động dưới mặt nước.

Cuối cuộc phỏng vấn, khi được hỏi liệu mô hình tập trung chính vào tàu ngầm hạt nhân để phát triển hải quân của Liên Xô và mô hình phát triển tập trung chính vào tàu sân bay của Mỹ, mô hình nào vượt trội hơn, ông Trì nói rằng Đô đốc hạm đội Liên Xô Sergei Gorshkov thời Chiến tranh Lạnh muốn xây dựng một “hạm đội cân đối” nhưng các nỗ lực của Moscow trong lĩnh vực hải quân cuối cùng không được như mong đợi sau khi Liên Xô tan rã. Trong khi đó, ông cho rằng Hải quân Mỹ đã thành công trong việc thực hiện tham vọng của mình, từ đó hạm đội tàu chiến Mỹ có “thực lực và năng lực tác chiến không ai có thể địch” trên tất cả mặt trận tác chiến hải quân.

Do đó, những phân tích từ GS Trì có thể cho thấy rằng các chuyên gia TQ đánh giá cao năng lực hiện tại của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng nói lên được các nhà phân tích quân sự TQ đang cố gắng tìm hiểu các “tử huyệt” của hệ thống vũ khí hải quân Mỹ khi nước này muốn phát triển năng lực hải quân có thể khiến “hữu nhân kính úy, hữu nhân phạ” (tức: Ai cũng phải vừa kính nể, vừa khiếp sợ).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.