Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu bị tụt hạng

Ngày 16-1 theo giờ địa phương, công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s của Mỹ (S&P) thông báo đánh tụt hạng tín nhiệm nợ của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ hạng hoàn hảo AAA xuống một bậc còn AA+.

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy thông báo ngay Quỹ Cơ chế bình ổn châu Âu (quỹ cứu trợ vĩnh viễn) sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 7 tới, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Khả năng EFSF bị tụt hạng đã được dự đoán sau khi S&P đánh tụt hạng tín nhiệm nợ của chín nước khu vực đồng euro ngày 13-1, trong đó có hạng hoàn hảo AAA của Pháp và Áo. EFSF dựa vào hai nước này vì EFSF chỉ phát hành trái phiếu hạng AAA và như vậy chỉ có các nước có hạng AAA mới có tư cách bảo đảm.

Cuối năm ngoái, S&P đã từng cảnh báo sẽ đánh tụt hạng EFSF nếu bất kỳ nước nào trong khu vực đồng euro có hạng AAA bị tụt hạng. Một khi hạng tín nhiệm nợ của EFSF bị đánh tụt, khả năng vay tiền của EFSF sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro và chi phí vay sẽ cao hơn.

Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu bị tụt hạng ảnh 1

Trái ngược với Công ty Standard & Poor’s, ngày 16-1 theo giờ địa phương, công ty thẩm định tài chính Mỹ Moody’s thông báo vẫn giữ hạng AAA của Pháp và đánh giá viễn ảnh kinh tế Pháp ổn định. Cùng ngày, tại hội đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại Madrid, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định các công ty thẩm định tài chính không phải là người quyết định chính sách kinh tế. Hai bên đã nhất trí giải pháp sẽ đánh thuế chuyển nhượng tài chính (thuế Tobin).

H.DUY (Theo Le Monde, Le Figaro) Ảnh: VOX

Trước khi hạng AAA của Pháp và Áo bị đánh tụt ngày 13-1, quy mô quỹ của EFSF là 440 tỉ euro. Nay, không còn Pháp và Áo bảo đảm, quy mô giảm chỉ còn 260 tỉ euro.

Khó khăn càng tăng vì ngày 16-1, Đức vốn là nền kinh tế lớn nhất trong bốn nền kinh tế còn lại trong khu vực đồng euro có hạng AAA đã bác bỏ khả năng tăng vốn cho EFSF.

Ba nước còn lại là Hà Lan, Phần Lan và Luxembourg vẫn chưa thống nhất có nên tăng tiền cho EFSF hay không.

Sau khi S&P đánh tụt hạng tín nhiệm nợ của EFSF, áp lực đè nặng lên Hy Lạp, nước đang nợ ngập đầu, cho dù trong ngày 16-1, Giám đốc EFSF Klaus Regling trấn an thị trường rằng EFSF vẫn không giảm khả năng cho vay.

Một tháng sau khi nhận 8 tỉ euro tiền giải cứu từ EFSF để tránh vỡ nợ, Hy Lạp lại quay trở lại vị trí trung tâm khủng hoảng nợ châu Âu. Hy Lạp đang đối phó nguy cơ vỡ nợ và nguy cơ ra khỏi khu vực đồng euro trong khi đến cuối tháng 3 phải trả nợ trái phiếu đến hạn 14,5 tỉ euro.

Giải pháp của chính phủ Hy Lạp là thuyết phục các ngân hàng đầu tư đang giữ trái phiếu chính phủ tự nguyện giảm nợ. Nếu không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp có thể không nhận được gói giải cứu thứ hai 130 tỉ euro. Cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các ngân hàng đầu tư ngày 13-1 đã thất bại.

Nước thất vọng thứ hai là Ý. Trong chuyến thăm Đức tuần trước, Thủ tướng Ý Mario Monti đã kêu gọi các nước tăng vốn cho EFSF để giúp lãi suất trái phiếu Ý.

Hiện thời hai công ty thẩm định tài chính Moody’s và Fitch của Mỹ vẫn giữ hạng tín nhiệm nợ AAA của EFSF.

THIÊN ÂN (Theo Reuters, Economic Times, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm