Rượu vang Tây Ban Nha bị các nhà sản xuất rượu Pháp tấn công

 Khoảng 150 nhà sản xuất rượu vang ở vùng Aude and Pyénées-Orientales của Pháp đồng loạt hò reo trước cảnh tượng hai xe bồn rượu vang Tây Ban Nha bị rút cạn và trút thẳng xuống đường. Sự việc xảy ra tại Le Boulou, cách biên giới Tây Ban Nha khoảng 16 km.

Ba xe bồn khác của Tây Ban Nha được phép rời đi sau khi nửa số rượu vang trong bồn bị đổ bỏ còn hông xe bị sơn dòng chữ "vin non conforme" (tạm dịch: rượu vang lừa đảo). Cảnh sát địa phương chỉ khoanh tay đứng nhìn khi vụ việc xảy ra còn các chủ buôn người Pháp thì lấy rượu đó đi kiểm tra xem có phải rượu lậu hay không.

Những người này cảm thấy rượu vang Pháp không nhận được sự bảo vệ xứng đáng ngay tại thị trường quê nhà. Họ tỏ ra vô cùng giận dữ khi nhắc tới hoạt động nhập khẩu rượu mà họ cho là đáng ngờ từ Tây Ban Nha và Ý. Theo họ, ở hai quốc gia này mức phí thấp hơn và thủ tục hành chính đơn giản hơn nên đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất rượu vang bán với giá thấp hơn rượu từ Pháp.

Họ cũng tuyên bố rằng nhiều nhà sản xuất rượu Tây Ban Nha là kẻ lừa đảo khi trộn lẫn rượu của họ với rượu từ Nam Mỹ và thậm chí còn cộp nhãn “sản xuất tại Pháp” lên các chai rượu này.

Rượu vang Tây Ban Nha bị đổ bỏ trên đường. Ảnh: RAYMOND ROIG/AFP/GETTY

Theo lời của ông Frédéric Rouanet, Chủ tịch Hiệp hội Rượu vang vùng Aude: “Nếu một nhà sản xuất rượu Pháp chế rượu với luật lệ của Tây Ban Nha, đơn giản là ông ta sẽ không thể nào bán được hàng”.

“Tổng sản lượng nhập khẩu rượu vang trong năm 2015 của chúng tôi là 720 triệu lít. Chúng tôi thật không hiểu vì sao nhập khẩu lại tăng tới 200 triệu lít chỉ trong một năm và chúng tôi ngờ rằng đã có gian lận ở đây. Thêm vào đó, Tây Ban Nha đang bán rượu ở mức giá 32 euro so với mức 78 euro của chúng tôi. Nếu bán với giá đó hẳn chúng tôi sẽ phá sản mất”.

Denis Pigouche, Chủ tịch Hiệp hội Rượu vang Pyrenees-Orientales, nói: “Những thứ rượu này không xứng đáng có mặt tại Pháp. Thậm chí chúng còn không có xuất xứ từ châu Âu. Tôi ngờ rằng chúng được nhập từ Nam Mỹ, rồi sau đó đến Barcelona chúng được cộp mác “sản xuất tại Tây Ban Nha” và “sản xuất tại châu Âu” hay thậm chí “sản xuất tại Pháp” khi được bày bán tại Pháp”.

Sự phản đối này bùng lên sau khi các số liệu thống kê cho thấy Pháp hiện đang là thị trường tiêu thụ rượu vang Tây Ban Nha lớn nhất với 580 triệu lít vào năm 2014, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời Pháp cũng mất luôn vị thế là quốc gia sản xuất nhiều rượu vang nhất trên thế giới. Năm 2015, Ý sản xuất 4,900 triệu lít so với 4,700 triệu lít tại Pháp.

Các Hiệp hội Rượu vang tại Pháp đã mất hằng tháng trời thương thảo với giới chức địa phương tuy nhiên chưa nhận được bất kỳ sự đảm bảo nào về việc các khiếu nại của họ đang được xem xét một cách nghiêm túc.

Ông Rouanet nói: “Vậy nên chúng tôi quyết định sẽ tự mình giải quyết vấn đề”. Ông còn tuyên bố vụ phá xe bồn rượu trên “chỉ là sự khởi đầu” đến khi nào các yêu cầu của họ được đáp ứng. Các nhà sản xuất rượu Pháp còn đe dọa sẽ tiếp tục làm tương tự tại cảng Sete để phản đối việc nhập khẩu rượu vang từ Ý.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi nào chứng minh được là việc vận chuyển bất hợp pháp rượu vang đang diễn ra. Chúng tôi sẽ bảo vệ người tiêu dùng của mình. Mỗi chai rượu vang chúng tôi bán ra người nào cũng có thể biết được gốc tích của cánh đồng nho nơi chúng tôi thu hoạch cho đến cả cái chai thì luật lệ ấy nên được áp cho tất cả mọi nơi sản xuất khác”.

Những nhà sản xuất rượu Pháp dùng cách này để phản đối việc nhập khẩu rượu vang Tây Ban Nha. Ảnh: RAYMOND ROIG/AFP/GETTY

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã triệu tập đại sứ Pháp sau vụ việc. Tây Ban Nha cho đây là “một sự vi phạm trắng trợn nhiều quy tắc căn bản” của Liên minh châu Âu.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đã báo cáo vụ việc lên Ủy ban châu Âu. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nói rõ: “Các sự việc này đã tái diễn liên tục và khiến chính phủ Tây Ban Nha rất quan ngại. Tây Ban Nha đã chính thức ủy quyền cho giới chức Pháp giải quyết vấn đề và thúc đẩy họ sử dụng mọi biện pháp thích đáng để đảm bảo an ninh tuyệt đối và tự do di chuyển đối với cả con người và hàng hóa. Đây là một trong những quy tắc cơ bản của Liên minh châu Âu”.

Các nhà sản xuất rượu phía tây nam nước Pháp vốn có tiếng là nóng tính và thậm chí có cả một lực lượng mật với tên le Crav - the Comité Régional d’Action Viticole. Lực lượng này đã tiến hành nhiều chiến dịch biệt kích trong một thời gian dài, thậm chí còn đặt cả thuốc nổ tại các nhà phân phối rượu vang “thù địch” mà họ cho là không ủng hộ sản xuất của địa phương.

Cơn giận dữ đối kiểu như vậy lần đầu tiên dẫn đến bạo động và đổ máu vào năm 1907. Khi đó, hàng trăm ngàn người đã tràn ra đường tại Narbonne và sáu người đã bị thiệt mạng khi cảnh sát buộc phải nổ súng vào đám đông bạo loạn.

THÙY LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm