Syria ngưng tiếng súng

0 giờ ngày 27-2 theo giờ Damascus, ngừng bắn giữa quân đội chính phủ Syria và quân nổi dậy Syria đã có hiệu lực. Đây là cuộc ngừng bắn đầu tiên từ khi chiến sự bùng nổ vào tháng 3-2011 (đến nay có hơn 270.000 người chết).

97 nhóm nổi dậy đồng ý

AFP ghi nhận tình hình trở nên yên tĩnh từ sau 0 giờ ngày 27-2. Tiếng súng không còn nghe thấy ở ngoại ô thủ đô Damascus và TP Aleppo. Nhiều người dân ra đường chứng kiến thời khắc trọng đại.

Tại TP Aleppo, anh thanh niên Mohamad Nohad cư trú ở khu phố Kalasse (quân nổi dậy kiểm soát) nói với AFP: “Tôi cảm thấy an toàn hơn. Không khí rất yên tĩnh nửa tiếng rồi. Đêm nay tôi có thể đi ngủ trễ và tôi mong ngày mai không phải thức dậy vì tiếng máy bay quân sự”.

Tại Jobar ở ngoại ô thủ đô Damascus, binh sĩ Abdel Rahmane Issa, 24 tuổi, đã cầm súng ba năm tâm sự với AFP: “Tôi không giấu nổi cảm giác vui mừng khi chiến tranh dừng lại vài phút rồi. Nếu mọi việc tiếp tục như thế, chúng tôi có thể về nhà”.

Tại TP Latakia, sau nửa đêm 27-2, không có máy bay Nga nào cất cánh thực hiện phi vụ không kích. Tình hình ở Homs và Hama cũng yên tĩnh.

Chỉ có vài loạt súng nổ cách quãng giữa quân đội chính phủ Syria với bọn Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda) ở tỉnh Raqqa.

Kế hoạch hòa bình Syria (Syrian peace plan) theo biếm họa của Sabir Nazar (Pakistan)

IS và Mặt trận Al Nusra cùng các tổ chức khủng bố có tên trong danh sách của Hội đồng Bảo an LHQ không thuộc các bên tham gia ngừng bắn. Thủ lĩnh Mặt trận Al Nusra đã kêu gọi tiếp tục chiến đấu.

Cao ủy Đàm phán (phái đoàn đại diện phe đối lập và quân nổi dậy Syria tham gia đàm phán hòa bình) thông báo có 97 nhóm nổi dậy chấp thuận tôn trọng thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria, trong đó các nhóm thuộc Quân đội Tự do Syria và phe đối lập chấp thuận ngưng bắn trong hai tuần.

Một ủy ban quân sự sẽ được thành lập do nhà điều phối Riad Hijab đứng đầu để giám sát và điều phối việc thực hiện ngừng bắn.

Nối lại đàm phán hòa bình

Một tiếng trước khi ngừng bắn có hiệu lực tại Syria, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2268 (năm 2016) do Nga và Mỹ đệ trình.

Trang web của LHQ đưa tin tại cuộc họp vào chiều 26-2 (giờ địa phương), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các bên phải tuân thủ ngừng bắn theo Nghị quyết 2268 và nhắc lại các điều khoản không áp dụng cho các tổ chức khủng bố như IS và Mặt trận Al Nusra.

Ông đề nghị đưa vấn đề tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Syria vào khuôn khổ rộng hơn là chiến lược tái thiết ở Trung Đông và Bắc Phi.

Đại diện của Mỹ tại Hội đồng Bảo an LHQ bảo đảm các nhóm đối lập Syria đều cam kết tôn trọng chấm dứt thù địch với điều kiện chính phủ Syria cũng làm như thế.

Đại diện của Syria thông báo chính phủ Syria chấp thuận chấm dứt thù địch nhưng vẫn tiếp tục chiến dịch chống các tổ chức khủng bố vũ trang. Về nối lại đàm phán hòa bình, đại diện của Syria cho rằng các bên khác cần chứng tỏ cam kết thúc đẩy giải quyết khủng hoảng Syria trong khuôn khổ chính trị và không áp đặt điều kiện tiên quyết.

Tối 26-2, đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura thông báo dự kiến sẽ nối lại đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và phe đối lập Syria vào ngày 7-3 tới với điều kiện tình hình chấm dứt thù địch được tôn trọng hoàn toàn và công tác cứu trợ nhân đạo được duy trì. Tiến trình đàm phán vừa qua đã ngưng lại từ đầu tháng 2.

Nghị quyết 2268 của Hội đồng Bảo an LHQ

Phần mở đầu của Nghị quyết 2268 nêu: Ủng hộ chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria; khen ngợi tổng thư ký LHQ và đặc phái viên LHQ về Syria thực hiện Nghị quyết 2254 (năm 2015); khen ngợi Nhóm quốc tế ủng hộ Syria thúc đẩy mục tiêu ngừng bắn ở Syria.

Nghị quyết 2268 gồm 11 điều như sau:

1. Tán thành tuyên bố chung Mỹ-Nga về chấm dứt thù địch ở Syria (công bố ngày 22-2-2016) và phụ lục kèm theo quy định chấm dứt thù địch từ nửa đêm giờ Damascus ngày 27-2-2016.

2. Yêu cầu thực hiện ngay Nghị quyết 2254 (năm 2015) về thúc đẩy thời kỳ quá độ chính trị ở Syria để kết thúc hoàn toàn chiến tranh Syria.

3. Yêu cầu các bên nêu trong phụ lục chấm dứt thù địch ở Syria. Yêu cầu các nước thành viên LHQ sử dụng ảnh hưởng thúc đẩy các bên giữ đúng cam kết.

4. Khen ngợi Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận về các điều kiện ngừng bắn. Ghi nhận quân đội Syria và quân nổi dậy Syria nỗ lực cam kết tôn trọng các điều kiện ngừng bắn.

5. Yêu cầu các bên lập tức cho phép các tổ chức nhân đạo đến toàn đất nước Syria một cách nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở.

6. Ủng hộ sáng kiến của Nhóm quốc tế ủng hộ Syria nhằm thúc đẩy khẩn cấp vấn đề cứu trợ nhân đạo.

7. Tiếp tục ủng hộ tiến trình chính trị do người Syria đứng đầu dưới sự bảo trợ của LHQ. Yêu cầu tổng thư ký LHQ xúc tiến nối lại đàm phán chính thức giữa chính phủ Syria và phe đối lập Syria.

8. Khen ngợi chấm dứt thù địch là một bước tiến tới thiết lập ngừng bắn lâu dài. Tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa ngừng bắn song song với tiến trình chính trị theo Thông cáo Genève năm 2012.

9. Yêu cầu các bên sử dụng ảnh hưởng tác động chính phủ Syria và phe đối lập Syria thúc đẩy tiến trình hòa bình, thiết lập các biện pháp tin tưởng, bao gồm trả tự do cho những người bị giam giữ tùy tiện và chấm dứt thù địch.

10. Yêu cầu tổng thư ký LHQ thông báo về việc thực hiện nghị quyết này và Nghị quyết 2254 (năm 2015) 15 ngày sau khi thông qua nghị quyết này và sau đó cứ mỗi 30 ngày.

11. Quyết định tiếp tục theo sát vấn đề này.

H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm