Tài liệu Panama: Mỹ, Pháp, Đức vào cuộc điều tra

Ngày 4-4, chính phủ các nước bắt đầu điều tra về các thông tin trong tài liệu Panama do báo Đức Süddeutsche Zeitung công bố ngày trước đó, hãng tin Reuters (Mỹ) cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ điều tra xác định xem có chứng cứ tham nhũng và vi phạm luật pháp Mỹ hay không.

“Chúng tôi đã biết về tài liệu Panama và đang xem xét. Chúng tôi chưa thể bình luận cụ thể nhưng Bộ Tư pháp cân nhắc rất nghiêm túc khả năng các cáo buộc trong tài liệu có liên quan đến Mỹ và hệ thống tài chính của Mỹ.” – người phát ngôn Bộ Tư Pháp Mỹ Peter Carr cho biết.

Các công tố viên tài chính Pháp thông báo sẽ mở một cuộc điều tra khả năng trốn thuế nghiêm trọng. Mục tiêu của cuộc điều tra là xác định bản chất và con người cụ thể vi phạm. Bộ Tài chính Đức cũng cho biết sẽ điều tra vụ việc.

Úc, Áo, Thụy Điển, Hà Lan và nhiều nước khác đều lên tiếng cho biết đã bắt đầu điều tra tài liệu Panama. Hàng loạt ngân hàng đang bị chú ý xung quanh cáo buộc giúp che giấu tiền của các khách hàng nước ngoài.

Văn phòng Thuế Úc cho biết sẽ điều tra hơn 800 khách hàng giàu có của Mossack Fonseca, hơn 120 người trong số này có liên quan đến dịch vụ cảnh ngoại ở Hong Kong.

Biểu tình đòi Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức ngày 4-4 tại Iceland. (Ảnh: REUTERS)

Nhiều nước bảo vệ lãnh đạo

Tại Argentina, các đảng phái chính trị đối lập đề nghị Tổng thống Mauricio Macri giải thích vì ông Mauricio Macri từng làm giám đốc một công ty cảnh ngoại ở Bahamas liên quan đến công việc kinh doanh của cha ông.

Theo Reuters, trong một cuộc phỏng vấn ngắn trên truyền hình, ông Macri bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng công ty của cha ông hoạt động hợp pháp. Công ty cảnh ngoại này đầu tư vào Brazil.

Tại Brazil, báo O Estado de S.Paulo của nước này cho biết nhiều chính gia thuộc bảy đảng phái chính trị là khách hàng của Công ty Mossack Fonseca, tuy nhiên không có các chính trị gia đảng Công nhân của Tổng thống Dilma Rousseff.

Cơ quan Thuế Brazil cho biết sẽ kiểm chứng thông tin trốn thuế trong tài liệu Panama và sẽ phạt các cá nhân có tài sản ở các tài khoản cảnh ngoại mà không khai báo. Mức phạt lên đến 150% giá trị tài sản.

Văn phòng tổng thống Nga cho rằng không có gì xác thực và mới mẻ trong tài liệu. Phía Nga cũng cho rằng phải có thêm điều tra để xác minh các thông tin là đúng hay sai.

Người phát ngôn Thủ tướng Anh David Cameron cho biết mối liên quan giữa cha ông Ian Cameron và một công ty cảnh ngoại có đề cập trong tài liệu Panama là “vấn đề riêng tư”. Ngoài ông Ian Cameron còn có một số thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền bị đề cập trong tài liệu. Chính phủ Anh đã yêu cầu được cung cấp một bản sao của tài liệu Panama.

Chính phủ Pakistan khẳng định gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif không làm gì sai. Theo tài liệu, con gái và con trai ông Nawaz Sharif liên quan đến một số công ty cảnh ngoại.

Biểu tình đòi Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức ngày 4-4 tại Iceland. (Ảnh: REUTERS)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố mình trong sạch sau khi các nghị sĩ kêu gọi điều tra các cáo buộc trong tài liệu Panama rằng ông đã sử dụng một công ty cảnh ngoại để trốn thuế. Ông thừa nhận đã chuyển công ty bánh kẹo của ông là Roshen sang quần đảo Virgin (Anh) hồi tháng 8-2014 vì giao tranh ở Ukraine leo thang.

Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đang đối mặt áp lực từ chức. Tài liệu Panama cho biết ông và vợ liên quan đến một công ty cảnh ngoại. Tuy nhiên Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson khẳng định mình không trốn thuế và sẽ không từ chức.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình ngày 4-4, công ty luật cảnh ngoại Mossack Fonseca cho rằng mình không làm gì sai trái và là nạn nhân của một chiến dịch xâm phạm quyền riêng tư. Mossack Fonseca cho biết đã thành lập hơn 240.000 công ty cảnh ngoại cho khách hàng khắp toàn cầu, và các bài báo đã diễn giải sai bản chất công việc của công ty.

11 triệu tập tin tài liệu Panama mô tả hoạt động của Công ty Mossack Fonseca từ năm 1977 đến tháng 12-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm