Tại sao động đất ngày 11-4 không gây thiệt hại?

Động đất mạnh 8,6 độ Richter xảy ra sáng 11-4 ở phía tây đảo Sumatra (Indonesia) cách TP Banda Aceh 400 km. Tổng cộng chỉ có năm người chết do lên cơn đau tim. So với động đất 9,1 độ Richter ở Sumatra vào tháng 12-2004 thì thiệt hại lần này không đáng kể.

Cơ chế đứt gãy khác nhau

Động đất ngày 11-4 có đặc điểm: Sóng thần phát sinh trên toàn Ấn Độ Dương nhưng rất yếu. Nước biển chỉ tăng từ vài xăngtimet gần tâm chấn giữa biển đến vài chục xăngtimet gần bờ. Chỉ duy nhất một chỗ ven bờ Indonesia có nước biển dâng cao gần 1 m. Nguyên nhân như sau:

- Cường độ động đất ngày 11-4 thấp hơn 0,5 độ Richter so với động đất ở Sumatra tháng 12-2004, đồng nghĩa với năng lượng phát sinh từ động đất thấp hơn năm lần.

- Cơ chế đứt gãy của đới đứt gãy khác nhau: Trong động đất năm 2004, mảng kiến tạo này trượt dưới mảng kiến tạo kia, do đó nền đáy biển bị nâng lên theo chiều thẳng đứng tác động đến cột nước tạo ra sóng thần hủy diệt. Trong động đất ngày 11-4, đới đứt gãy trượt theo chiều ngang. Nền đáy biển bị nâng lên rất ít, khó tác động đến nước biển.

- Trong động đất ngày 11-4, còi báo động vang lên liên tục, nhờ đó hàng triệu dân ven Ấn Độ Dương đã nhanh chóng sơ tán. Trong động đất năm 2004, hoàn toàn không có còi báo động. Ở Thái Lan, bức tường nước đổ ập vào bờ biển ngay mùa cao điểm du lịch.

Tại sao động đất ngày 11-4 không gây thiệt hại? ảnh 1

Một phụ nữ ở TP Banda Aceh (Sumatra) hốt hoảng báo tin sẽ có sóng thần ngày 11-4. Ảnh: AP

Tại sao động đất ngày 11-4 không gây thiệt hại? ảnh 2

Phạm vi dự báo sóng thần trong động đất ngày 11-4 lan đến tận Kenya (châu Phi). Ảnh: EPA

UNESCO giữ nhiệm vụ điều phối các hệ thống cảnh báo sóng thần bắt đầu từ những năm 1960 ở Thái Bình Dương, sau đó mở rộng ra Ấn Độ Dương, vùng Caribê, Địa Trung Hải, Đông Bắc Đại Tây Dương.

Sau động đất năm 2004, hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương đã được thiết lập vào tháng 6-2006. Khi có động đất, đầu tiên dữ liệu sẽ truyền về Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii và Tổng cục Khí tượng Nhật.

Hai cơ quan này sẽ giữ vai trò điều phối với các trung tâm cảnh báo ở các nước. Sau đó từng nước sẽ sử dụng các phương tiện phù hợp như đài phát thanh, đài truyền hình, tin nhắn điện thoại, còi, loa để phát cảnh báo.

Thử nghiệm cảnh báo ở Ấn Độ Dương

Động đất ngày 11-4 là cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm hệ thống cảnh báo. Tại Sri Lanka, trung tâm cảnh báo ở Colombo đã nhấn nút phát cảnh báo đến 75 trạm trung chuyển. 3 triệu người sơ tán khỏi bờ biển chỉ trong 20 phút.

Tại Thái Lan, Trung tâm quốc gia cảnh báo thảm họa thiên tai ở Bangkok đã vạch sẵn các phương án sơ tán chỉ rõ phải đi đường nào, tập trung ở đâu. Tại Ấn Độ, quần đảo Andaman và Nicobar sơ tán dân chỉ 10 phút sau động đất.

Indonesia lắp đặt mạng lưới cảnh báo quốc gia vào tháng 11-2008. Ngày 11-4, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã phải tấm tắc khen ngợi hệ thống cảnh báo hoạt động tốt.

Người phát ngôn Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ tại Indonesia giải thích với hãng tin AFP, Viện Vật lý địa cầu Indonesia đã phát dồn dập cảnh báo sóng thần chỉ trong tối đa 3 phút. Sau khi còi báo động rú lên, người dân đảo Sumatra đã chạy lên chỗ cao kịp lúc.

Dù vậy, trong động đất ngày 11-4, do điện bị cúp tại tỉnh Aceh nên 30 phút sau động đất, còi báo động mới hoạt động. Lúc này, Internet và điện thoại di động trở nên quan trọng.

Indonesia có nhiều điện thoại di động hơn số dân (250 triệu điện thoại di động trên 240 triệu dân) và là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số người sử dụng Facebook (43,1 triệu tài khoản).

Trung tâm quốc gia Cảnh báo thảm họa thiên tai ở Thái Lan ghi nhận mạng xã hội đã giữ vai trò quan trọng trong cảnh báo sóng thần ngày 11-4.

Giả định sóng thần hủy diệt tràn vào bờ thì có thể tránh được thảm kịch như động đất năm 2004 không? Nhà phân tích Keith Loveard ở Công ty Concord Consulting tại Jakarta (Indonesia) nhìn nhận dù có cảnh báo nhưng cũng không thể sơ tán hết mọi người cùng lúc. Lý do: Tại Banda Aceh, cơ sở hạ tầng đường sá quá chật hẹp.

Ngày 14-4, người phát ngôn Cơ quan quốc gia phòng, chống thảm họa thiên tai Indonesia cho biết bọn trộm cắp đã lấy cắp các thiết bị cảnh báo sóng thần quan trọng lắp đặt ven biển. Các phao tiêu và máy đo thủy triều đã được lắp đặt ở 80 địa điểm dọc đảo Sumatra. Tuy nhiên, hiện nay trong 25 phao tiêu chỉ còn ba phao tiêu hoạt động.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm