Thẩm phán đương đầu với tổng thống

Hàng ngàn người dân Brazil đã xuống đường biểu tình trước dinh tổng thống ở thủ đô Brasilia, Sao Paulo và Rio de Janeiro tối 16-3 (giờ địa phương).

Theo báo Huffington Post, dân chúng tức giận biểu tình vì trước đó thẩm phán liên bang Sergio Moro là người phụ trách điều tra vụ án tham nhũng Petrobras đã công bố đoạn băng ghi âm nghe lén cuộc điện đàm giữa Tổng thống Dilma Rousseff với cựu Tổng thống Lula da Silva (giữ chức tổng thống từ năm 2003 đến 2010).

Trong điện đàm, bà Dilma Rousseff nói sẽ chuyển đến ông Lula sắc lệnh bổ nhiệm ông làm quốc vụ khanh phụ trách văn phòng tổng thống để ông có thể “sử dụng khi cần thiết”.

Ngày 16-3, văn phòng tổng thống đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Lula.

Với chức vụ mới, ông Lula sẽ được hưởng quy chế đặc biệt và chỉ chịu trách nhiệm trước Tòa Tối cao liên bang.

Biểu tình tại Sao Paulo tối 16-3. Ảnh: REUTERS

Theo CNBC, dư luận Brazil cho rằng mục đích tổng thống bổ nhiệm ông Lula nhằm bảo vệ ông khỏi bị kết án trong vụ án tham nhũng Petrobras.

Trong khi đó, với hành vi công bố tài liệu mật, Thẩm phán Sergio Moro đã bị trả đũa.

Văn phòng tổng thống thông báo sẽ áp dụng các biện pháp tư pháp và hành chính đối với Thẩm phán Sergio Moro vì ông vi phạm pháp luật và hiến pháp. Văn phòng tổng thống giải thích tổng thống nói chuyển cho ông Lula sắc lệnh bổ nhiệm để cho ông này ký trước khi ban hành.

Vụ án tham nhũng Petrobras bột phát vào tháng 3-2014. Thẩm phán Sergio Moro phối hợp với cảnh sát liên bang tiến hành điều tra vụ này. Quốc hội cũng thành lập ủy ban điều tra.

Hai bộ phận liên quan gồm Công ty Dầu khí nhà nước Petrobras và các doanh nghiệp (DN) xây dựng công trình công cộng.

Các DN thành lập tổ hợp công nghiệp để thâu tóm thị trường và dễ kê khống hóa đơn. Bù lại, tiền lót tay được trao cho các quan chức.

Kết quả điều tra cho thấy liên quan đến vụ án tham nhũng Petrobras có các quan chức của đảng Lao động, đảng Phong trào dân chủ Brazil (liên minh với đảng Lao động) và đảng Tiến bộ.

Trong các DN liên quan ngoài Petrobras có đủ mặt DN xây dựng lớn như OAS, Odebrecht, Camargo Correia, Mendes Junior, Galvão, Iesa, Engevix, UTC/Constran.

Sau khi sự việc vỡ lở, nhiều chủ DN đã vào tù.

Dư luận cho rằng Tổng thống Dilma Rousseff có liên đới trách nhiệm bởi bà từng là bộ trưởng Năng lượng chỉ đạo Công ty Petrobras và chánh văn phòng của Tổng thống Lula lúc vụ án xảy ra.

Cảnh sát cho biết nhiều yếu tố điều tra cho thấy các DN nhà nước gian trá đã dùng tiền bạc và nhà cửa sang trọng “đi đêm” với ông Lula.

Ngày 4-3, Thẩm phán Sergio Moro đã thẩm vấn ông Lula tại nhà ông về nghi vấn tham nhũng và rửa tiền.

Ngày 10-4, cơ quan công tố Sao Paulo đề nghị tạm giam ông Lula vì ông đã vi phạm trật tự công cộng. Bằng chứng là ngày 4-3 ông đã kêu gọi dân chúng xuống đường để phản đối cơ quan tư pháp.

Cơ quan công tố cũng đề nghị truy tố hình sự ông Lula vì sở hữu tài sản bất minh. Thẩm phán ở Sao Paulo đang nghiên cứu đề nghị của cơ quan công tố trong thời gian chưa xác định.

Ngày 16-3, sau khi Thẩm phán Sergio Moro công bố đoạn băng ghi âm nghe lén, các nghị sĩ đối lập trong Quốc hội đã tức giận đưa tay lên và hét: “Từ chức! Từ chức!”. Nghị sĩ Antonio Imbassahy thuộc đảng Dân chủ xã hội Brazil (đảng đối lập chính) phản ứng: “Thay vì giải thích và thông báo nhận trách nhiệm, cựu Tổng thống Lula lại muốn chạy trốn (công lý) bằng cửa sau… Đây là lời thú nhận phạm tội và là cái tát cho xã hội”.

Ở Brazil, người nghèo ăn cắp sẽ vào tù; còn người giàu ăn cắp thì sẽ trở thành bộ trưởng. Nhiều bình luận trên mạng xã hội đã nhắc lại câu nói nổi tiếng này của ông Lula vào năm 1988 khi ông còn hoạt động công đoàn.

___________________________________

Tạm giam ông ấy (ông Lula) là cần thiết để quá trình thẩm tra diễn ra tốt đẹp và chứng tỏ ông ấy không thể đứng trên pháp luật.

Cơ quan công tố SAO PAULO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm