Thẩm phán tối cao Mỹ cất tiếng sau 10 năm dự tòa trong im lặng

Thẩm phán Clarence Thomas, một trong tám thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ, ngày 29-2 lần đầu tiên mở miệng tranh luận tại một phiên tòa sau 10 năm dài dự rất nhiều phiên tòa trong im lặng, theo hãng tin AP (Mỹ).

Thẩm phán tối cao Mỹ cất tiếng sau 10 năm dự tòa trong im lặng ảnh 1
Thẩm phán Clarence Thomas. (Ảnh: NEW YORKER)

Phiên tòa ngày 29-2, Tòa Tối cao Mỹ xử vụ một nam giới ở bang Maine kháng cáo vì bị truất quyền sở hữu súng do từng có hành động bạo hành gia đình.

Stephen Voisine từng bị một tòa án tuyên phạt 200 USD vì có hành động bạo hành gia đình năm 2004. Năm năm sau, Stephen Voisine bị bắt vì bắn một con chim đại bàng được bảo vệ. Khi phát hiện Stephen Voisine từng phạm tội bạo hành gia đình, anh ta bị cáo buộc thêm tội sở hữu súng trái phép.

Luật liên bang Mỹ cấm người phạm trọng tội sở hữu súng. Năm 1996, Quốc hội Mỹ tiến thêm một bước, cấm những ai từng bị tòa phán quyết có hành động bạo hành gia đình sở hữu súng.

Thẩm phán Clarence Thomas đã ngồi yên lặng gần hết phiên tranh luận, như thường thấy ở rất nhiều phiên tòa trước. Tuy nhiên, đến gần cuối phiên tranh luận, Thẩm phán Clarence Thomas bất ngờ lên tiếng phản đối việc truất bỏ quyền sở hữu súng của một người vì người này từng bạo hành gia đình.

Thẩm phán Clarence Thomas cho rằng hành động bạo hành gia đình là khinh tội, yêu cầu luật sư chỉ ra một ví dụ khác ngoài trường hợp Stephen Voisine để chứng minh rằng truất bỏ quyền sở hữu súng của người từng phạm khinh tội là đúng luật.

Thẩm phán Clarence Thomas tranh luận không ai bị mất quyền phát ngôn và xuất bản sách chỉ vì từng phạm khinh tội. Ông thậm chí còn dẫn quyền sở hữu súng trong hiến pháp Mỹ ra để bảo vệ quan điểm của mình.

Đây là lần đầu tiên Thẩm phán Clarence Thomas cất tiếng tranh luận tại tòa kể từ thời điểm tháng 2-2006. Sự im lặng tại các phiên tòa kéo dài của Thẩm phán Clarence Thomas là trường hợp hiếm hoi dù những thập kỷ trước, các thẩm phán có thể ngồi im lặng tại các phiên tòa hằng tuần trong một thời điểm nào đó nhưng ngày nay các thẩm phán Tòa Tối cao thường đặt ít nhất một câu hỏi trong mỗi phiên tranh luận.

Thẩm phán Clarence Thomas từng giải thích cho sự im lặng của mình, rằng vì ông thấy các thẩm phán khác hỏi quá nhiều làm luật sư không tranh luận kịp, rằng từ khi còn là sinh viên đại học luật Yale (Mỹ), ông đã thường lắng nghe nhiều hơn là đặt câu hỏi trong lớp.

Trước khi vào Tòa Tối cao vào năm 1991, Thẩm phán Clarence Thomas từng làm tại một số tòa phúc thẩm liên bang, thường xuyên đặt câu hỏi trong các phiên tranh luận.

Trong 10 năm ngồi tòa trong im lặng, thỉnh thoảng Thẩm phán Clarence Thomas có nói chuyện riêng với Thẩm phán Stephen Breyer. Và thỉnh thoảng Thẩm phán Stephen Breyer cũng khuyến khích Thẩm phán Clarence Thomas đặt câu hỏi với luật sư khi thấy Thẩm phán Clarence Thomas đặt ra một vấn đề thú vị nhưng không thành công.

Có một số đồn đoán có thể sự qua đời của Thẩm phán Antonin Scalia (ngày 13-2) đã thúc giục Thẩm phán Clarence Thomas phá vỡ sự yên lặng. Hai người đều cùng quan điểm bảo thủ, và cùng bỏ phiếu đồng ý phán quyết của Tòa Tối cao (5 phiếu thuận/4 phiếu chống) ủng hộ quyền sở hữu súng của cá nhân theo hiến pháp.

Theo AP, có thể Thẩm phán Clarence Thomas thấy rằng không còn Thẩm phán Antonin Scalia mà mình tiếp tục im lặng thì vấn đề này sẽ không còn được ủng hộ, và tiếng nói bảo thủ trong Tòa Tối cao sẽ không còn mạnh mẽ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm