Thâm Quyến (Trung Quốc): Vấn nạn phòng khám bệnh chui

Ngày 8-12-2008, phóng viên Quảng Châu Nhật báo đã đến điều tra tại cụm dân cư Đồng Lạc trên đường Hoành Cương thuộc khu Long Cương (TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông). Tại khu vực này, trong bán kính khoảng 100 m đã có ít nhất sáu phòng khám chui. Sau đó, Báo đã đăng bài viết phanh phui một sự thật kinh hoàng.

Tiền mất tật mang

Theo kết quả điều tra của Quảng Châu Nhật báo, trong năm 2008 đã có 11 người chết sau khi đến khám tại các phòng khám chui nêu trên. Trong số nạn nhân chưa kể thai nhi trong bụng mẹ. Tiệm thuốc Thiên Long tại đây đã từng gây ra cái chết cho một người 50 tuổi với ba mũi thuốc tiêm.

Theo ông chủ Lưu ở tiệm tạp hóa gần đó, các tiệm thuốc công khai bán thuốc phía trước nhưng đều có một phòng nhỏ phía sau để khám chui. Phòng khám chui đương nhiên không treo biển hiệu, đóng cửa im ỉm cả ngày, chỉ mở cửa khi có người quen.

Những người đến khám bệnh phải là người đã quen biết. Phòng khám chui lôi kéo bệnh nhân thông qua người quen hoặc phát tờ rơi với những lời rao hấp dẫn như chữa được bách bệnh từ nối xương, bệnh dạ dày cho đến ung thư.

Trường hợp tiêu biểu là bệnh nhân họ Từ người tỉnh Giang Tây lên TP Thâm Quyến làm việc. Giữa tháng 11-2008, anh đến truyền dịch tại tiệm thuốc Bảo Hoa. Chưa đầy 10 tiếng sau thì anh chết. Hai ngày sau đó, tiệm thuốc lại tiếp tục kinh doanh. Hóa ra hai bên đã có thương lượng bồi thường.

Trước đó, tiệm thuốc Bảo Hoa đã từng chữa bệnh cho một bé trai và bé trai đã chết. Sau khi bồi thường cho gia đình nạn nhân 100.000 nhân dân tệ (250 triệu đồng VN), tiệm thuốc tiếp tục gây án mạng.

Báo cáo khác xa sự thật

Từ năm 2002, năm nào chính quyền TP Thâm Quyến cũng phối hợp các ban, ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra nhằm xóa bỏ hơn 1.000 phòng khám chui. Đến tháng 3-2007, Cục trưởng Y tế TP Thâm Quyến Giang Hàn Bình tuyên bố: Trong phạm vi TP, các phòng khám chui đã gần như mất bóng.

Thực tế thì ngược lại bởi các phòng khám chui đã thay hình đổi dạng. Nếu trước đây phòng khám chui hoạt động công khai thì nay ẩn mình vào các khu công nghiệp, nơi tập trung dân ngoại tỉnh làm việc. Ngoài ra, gần phân nửa số phòng khám chui trước đây đã hoạt động dưới hình thức hiệu thuốc, phòng truyền dịch.

Theo thống kê của Viện kiểm sát khu vực Bảo An thuộc TP Thâm Quyến, trong vòng 32 tháng (từ tháng 1-2006 đến 8-2008), Viện kiểm sát đã thụ lý 29 vụ án thẩm tra hành nghề bác sĩ trái phép với 29 bệnh nhân chết và một bệnh nhân bị thương nặng.

Trong 29 vụ án nêu trên có 13 vụ đỡ đẻ trái phép (44,8%), 10 vụ liên quan đến các tiệm thuốc khám chữa bệnh trái phép (35,4%), còn lại là phòng khám chui. Đây mới chỉ là số liệu thống kê ở riêng khu vực Bảo An. Nếu tính chung trên toàn TP Thâm Quyến, ắt hẳn con số sẽ cao hơn nhiều.

Theo Công an tỉnh Quảng Đông, chắc chắn đó chưa phải là số liệu thống kê đầy đủ. Nhiều trường hợp sau khi bệnh nhân chết, các bác sĩ phòng khám chui đã bỏ trốn, công an không bắt được người vi phạm nên không tính vào số liệu thống kê. Cũng có trường hợp bác sĩ và gia đình nạn nhân tự thỏa thuận với nhau, không báo án, do đó cũng không tính vào số liệu thống kê. Trường hợp này tương đối phổ biến.

Ngoài ra còn có trường hợp sau khi án mạng xảy ra, do báo cáo khám nghiệm tử thi kết luận không rõ nguyên nhân chết nên không đủ bằng chứng bắt giữ bác sĩ phòng khám chui.

Lời tự thuật của bác sĩ chui

Phong Triệu tốt nghiệp trường y chính quy tại TP Thâm Quyến. Hiện anh đã về quê hành nghề nhưng trước đây từng mở phòng khám chui. Anh cho biết tiệm thuốc mở phòng khám chui vì nhiều lý do. Thứ nhất để cạnh tranh với các tiệm thuốc khác và thứ hai giúp đỡ bạn bè và người quen. Anh tâm sự:

+ Phần tôi chỉ lấy tiền thuốc, không lấy tiền khám và không dùng các loại thuốc đắt tiền. Thường mỗi lần khám chữa bệnh không lấy quá 10 nhân dân tệ (25.000 đồng VN). Tôi chỉ có thể khám được một số bệnh nhẹ, gặp phải trường hợp sốt cao không hạ hay các bệnh nguy kịch khác thì... bó tay.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm