Thế phân tranh trưng cầu ý dân Hy Lạp

Hội đồng Nhà nước Hy Lạp (cơ quan tài phán về hành chính cao nhất) sẽ ra quyết định về tính pháp lý của cuộc trưng cầu ý dân ngày 5-7.

Ngày 1-7, hai cá nhân gửi đơn đề nghị hủy trưng cầu ý dân vì hai lý do:

- Trưng cầu ý dân vi phạm hiến pháp vì khoản 2 Điều 44 hiến pháp quy định chỉ trưng cầu ý dân về tài chính công.

- Câu hỏi đặt ra để cử tri chọn lựa trong trưng cầu ý dân quá phức tạp và mang tính chất quá chuyên môn.

Ngày 2-7, 12 luật sư lại đệ đơn cho rằng cần tổ chức trưng cầu ý dân vì đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Ngày 30-6, 20.000 người biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở Athens bày tỏ thái độ sẽ chọn “nai” (đồng ý) với đề xuất cải cách của các chủ nợ quốc tế.

Báo Les Echos (Pháp) ghi nhận có năm vấn đề:

Câu hỏi trưng cầu ý dân thế nào?: Câu hỏi như sau: “Bạn có đồng ý dự thảo thỏa thuận do Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra tại hội nghị các bộ trưởng Tài chính EU hôm 25-6-2015 gồm hai phần quy thành một đề nghị?”. Tài liệu thứ nhất có tiêu đề “Những cải cách vì thành công của chương trình hiện tại và hơn thế”. Tài liệu thứ hai có tiêu đề “Phân tích sơ bộ về khả năng chịu nợ”.

Phiếu trưng cầu ý dân có hai ô cho cử tri chọn lựa gồm “oxi” (không đồng ý) và “nai” (đồng ý). Ô “oxi” nằm phía trên ô “nai”.

Dự thảo thỏa thuận nào?: Hai tài liệu nêu trên của các chủ nợ quốc tế là các văn bản rất khô khan, nhiều số liệu chi tiết và nhiều từ viết tắt. Các tài liệu đề ngày 25-6, bao gồm các đề nghị cải cách được đưa ra đàm phán trong năm tháng qua giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế.

Thật ra phần lớn đề nghị đã được Hy Lạp phê duyệt và không còn giá trị vì các chủ nợ quốc tế đã rút ra sau khi gói viện trợ thứ hai cho Hy Lạp kết thúc hồi tháng 3.

Ai ủng hộ cái gì?: Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hô hào cử tri chọn ô “không đồng ý”. Đương nhiên đảng Syriza của ông sẽ ủng hộ theo. Trong những người chọn ô “đồng ý” có giới doanh nghiệp, khu vực tư nhân và các đảng đối lập như Dân chủ mới, Phong trào xã hội.

Điều gì xảy ra nếu cử tri chọn “oxi” (không đồng ý)?: Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ không tiếp tục bơm tiền mặt cho Hy Lạp. Lúc đó, các ngân hàng Hy Lạp sẽ phá sản. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có thể yêu cầu các nước khu vực đồng euro bảo lãnh cho Hy Lạp nhưng trước mắt Đức đã từ chối.

Lúc đó Hy Lạp sẽ mất khả năng trả nợ và chỉ còn cách rời khu vực đồng tiền chung euro và phát hành đồng tiền riêng. Hậu quả xảy ra sau đó với đồng tiền riêng rất khó lường.

Điều gì xảy ra nếu cử tri chọn “nai” (đồng ý): Khủng hoảng chính trị chắc chắn sẽ xảy ra. Thủ tướng Alexis Tsipras, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis và có thể chính phủ Hy Lạp sẽ từ chức.

Các chủ nợ quốc tế sẽ đàm phán gói viện trợ thứ ba để Hy Lạp có tiền trả nợ. Dù vậy vẫn có nhiều rào cản. Quốc hội Đức phải đồng ý với gói viện trợ này. Hy Lạp cũng phải chấp thuận các cải cách của chủ nợ đưa ra thì mới có tiền.

Theo thăm dò, số người chọn ô “không đồng ý” ngày càng giảm. Kết quả thăm dò đầu tiên hôm 31-6 của Viện thăm dò Prorata cho thấy 57% không đồng ý và 30% đồng ý. Hai ngày sau, kết quả là 46% không đồng ý và 37% đồng ý. Cuộc thăm dò của Viện Alco công bố hôm 3-7 cho thấy 43,4% không đồng ý và 44,8% đồng ý, tức số người ủng hộ châu Âu đã tăng lên.

40% cử tri tham gia là mức tối thiểu để trưng cầu ý dân có hiệu lực. 9.855.029 cử tri đủ tư cách bỏ phiếu tại 19.243 điểm bầu cử. Ước tính chi phí tổ chức trưng cầu ý dân khoảng 110 triệu euro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm