Thế trận sau Raqqa

TP Raqqa sẽ được chuyển giao cho chính quyền dân sự sau khi công tác rà phá bom mìn hoàn tất. Người phát ngôn của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF-liên quân chủ yếu gồm các tay súng người Kurd) thông báo như trên tại cuộc họp báo trên sân vận động Raqqa ngày 20-10 (giờ địa phương).

Tham dự họp báo còn có nhiều nhân vật quan trọng ở địa phương và các thành viên hội đồng dân sự Raqqa. Hội đồng dân sự được thành lập cách đây sáu tháng sẽ phụ trách công tác tái thiết sau khi Raqqa được giải phóng.

Cuộc chiến chống IS chưa kết thúc

Sau gần một năm mở chiến dịch “Cơn thịnh nộ sông Euphrates” và sau hơn bốn tháng tổng tấn công tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), SDF đã giải phóng hoàn toàn Raqqa hôm 17-10.

Theo báo cáo của LHQ công bố hồi tháng trước, có đến 80% diện tích Raqqa không thể ở được. Các cơ sở hạ tầng cơ bản tại Raqqa hầu như bị phá hủy. Do đó, người dân khó có thể hồi hương trong vài tuần tới.

Nữ tư lệnh SDF Rojda Felat, 36 tuổi, người Kurd, chỉ huy trưởng chiến dịch “Cơn thịnh nộ sông Euphrates”, cho biết một số đơn vị SDF sẽ ở lại Raqqa đến khi rà phá bom mìn xong. Số còn lại sẽ rút đi tham gia các mặt trận khác đánh IS, trong đó có mặt trận Deir ez-Zor, tỉnh giáp với Raqqa.

Ngày 20-10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định: “Liên minh toàn cầu sẽ tiếp tục dựa vào mọi yếu tố quyền lực quốc gia về quân sự, tình báo, ngoại giao, kinh tế, lực lượng an ninh và sức vững mạnh của các cộng đồng cho đến khi mọi người dân Syria được giải phóng khỏi ách bạo tàn của IS và chúng ta bảo đảm chúng không còn có thể xuất khẩu khủng bố ra khắp thế giới”.

Tướng Mỹ Paul Funk chỉ huy liên minh quốc tế đánh IS tuyên bố: “Chúng ta vẫn còn chiến đấu với tàn dư của IS ở Iraq và Syria, và chúng ta sẽ tiếp tục khuyến khích nỗ lực nhân đạo để giúp đỡ các công dân bị hành vi chiếm đóng tàn ác của chúng ảnh hưởng… Cuộc chiến khó khăn vẫn còn chờ chúng ta”.

Cùng ngày 20-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khen ngợi chiến dịch giải phóng Raqqa của SDF. Ông nhận xét đây là giai đoạn quan trọng vì từ Raqqa IS đã âm mưu và chỉ đạo nhiều vụ tấn công khủng bố ở Trung Đông, châu Âu và trên khắp thế giới.

Ông cho rằng Syria phải tìm con đường thoát khỏi nội chiến vốn là nguyên nhân nuôi dưỡng khủng bố. Ông nhấn mạnh: “IS mất Raqqa nhưng cuộc chiến chống IS chưa kết thúc. Pháp sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực quân sự khi nào còn cần thiết”.

Ngày 17-10, tại quảng trường Al-Naim, nữ tư lệnh Rojda Felat phất cờ chào đón Raqqa được giải phóng. Quảng trường này là nơi IS thường bêu đầu các nạn nhân bị giết hại. Ảnh: GETTY IMAGES

IS vẫn còn nhiều địa bàn

Theo AFP, sau khi mất Raqqa, IS chỉ còn kiểm soát khoảng 10% lãnh thổ Syria so với 33% hồi đầu năm, trong đó có hơn phân nửa lãnh thổ bị chiếm đóng ở tỉnh Deir ez-Zor. Tham mưu trưởng quân đội Nga Sergey Rudskoy đánh giá IS chỉ còn kiểm soát 8% lãnh thổ Syria, tức khoảng 14.800 km2.

Chuyên gia François-Bernard Huyghe, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), đánh giá IS thua trận không đồng nghĩa với IS thua cuộc chừng nào IS chưa thừa nhận chúng thất bại.

Theo ông, sau khi thất trận tại Raqqa, bọn IS có nhiều giải pháp để chọn lựa: Tiếp tục đánh du kích tại các ổ đề kháng khác ở Syria và Iraq; gia nhập các nhóm thánh chiến Hồi giáo như Hayat Tahrir al-Sham (có nguồn gốc từ Al Qaeda); gia nhập các nhóm Hồi giáo có liên hệ với IS ở xa hơn như Pakistan, Afghanistan, Ai Cập, Libya; các tay súng nước ngoài của IS sẽ trở về nước hoạt động khủng bố. Giải pháp cuối cùng tốt nhất là chúng buông súng từ bỏ thánh chiến.

Chuyên gia François-Bernard Huyghe đánh giá IS sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu vì trước đây IS đã từng nhồi sọ rằng thất bại trên chiến trường chỉ là thử thách lớn trước khi đạt đến vinh quang cuối cùng. Do đó, chúng có thể sẽ tiếp tục tấn công khủng bố ở các nước phương Tây bất kể dưới hình thức gì và kết quả ra sao.

Hiện thời IS vẫn còn hiện diện tại các địa bàn sau đây:

. Philippines và Indonesia: Hàng trăm phần tử IS người Philippines và Indonesia có thể về nước phối hợp với các nhóm địa phương để thành lập lãnh thổ nhà nước Hồi giáo tự xưng.

. Afghanistan: IS hiện diện ở miền Đông Afghanistan từ năm 2015 và đang bành trướng ra miền Bắc, đặc biệt ở biên giới Uzbekistan. Mỹ đánh giá lực lượng IS có từ 600 đến 800 quân. Chúng quy phục thêm nhiều tay súng Taliban và các nhóm Hồi giáo địa phương.

. Libya: IS tại Libya đã tổ chức lại và triển khai ở miền Tây gần Misrata. Chúng tuyển dụng thêm công dân các nước láng giềng Tunisia, Ai Cập và Sudan.

. Tunisia: Đây là địa bàn cung ứng phần tử thánh chiến cho các nơi khác. Chúng có thể quay về nước hoạt động trong các vùng núi hiểm trở.

. Bán đảo Sinai: Nhóm Hồi giáo Ansar Bait al-Maqdis với 1.000-2.000 quân đã trở thành chi nhánh IS tại tỉnh Sinai tự xưng.

. Boko Haram: Nhóm Hồi giáo Boko Haram ở vùng hồ Chad (Nigeria, Chad, Cameroon, Niger) đã tuyên thệ với IS từ tháng 3-2015. IS có thể sử dụng nhóm này để mở rộng địa bàn tại châu Phi.

. Yemen: Từ năm 2016, cánh IS tại đây bắt đầu mở rộng lãnh thổ, đặc biệt tại tỉnh Baida. Lần đầu tiên vào ngày 16-10, quân đội Mỹ đã không kích hai trại IS.

Từ nhiều tuần nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tập hợp một nhóm tiếp xúc để chuẩn bị cho giải pháp chính trị ở Syria. Ông dự định đưa chính phủ Syria, phe đối lập Syria, các nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, EU và các tác nhân khu vực như Lebanon và Iran ngồi vào bàn đàm phán giải pháp chính trị. Ông cho rằng không thể để Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tương lai Syria qua tiến trình đàm phán hòa bình ở Astana (Kazakhstan) hiện nay. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm