Thêm 7 ngân hàng của Mỹ đóng cửa

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ cho biết ba ngân hàng tại Puerto Rico bị đóng cửa (bao gồm Westernbank Puerto Rico, Eurobank và R-G Premier Bank of Puerto Rico, chiếm hơn 1/5 tổng giá trị tài sản của các ngân hàng ở nước này) có tổng tài sản trị giá 20,3 tỷ USD và tổng tiền gửi 14,84 tỷ USD.

Thêm 7 ngân hàng của Mỹ đóng cửa ảnh 1

Trụ sở Westernbank ở Puerto Rico. Nguồn: Internet

Với tài sản trị giá 11,9 tỷ USD và tổng vốn vay trị giá 8,8 tỷ USD, Westernbank Puerto Rico trở thành ngân hàng lớn nhất bị FDIC đóng cửa từ đầu năm tới nay.

Đây là sự sụp đổ lớn nhất trong ngành ngân hàng của Puerto Rico trong hơn hai thập kỷ qua, và cũng là một trong những giải pháp mạnh nhất mà FDIC quyết định đối với các ngân hàng bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ cuối năm 2007.

FDIC tiếp quản cả ba ngân hàng nói trên và có thể phải trả bảo hiểm tiền gửi lên tới 5,28 tỷ USD.

Cũng trong ngày 30/4, các cơ quan chức năng của Mỹ đóng cửa ngân hàng Champion Bank (có giá trị tài sản 153 triệu USD) và ngân hàng BC National Banks (55 triệu USD) có trụ sở chính tại bang Missouri.

FDIC cũng tiếp quản ngân hàng Everett tại bang Washington với tài sản trị giá 3,13 tỷ USD và tiền gửi 1,37 tỷ USD, ngân hàng CF Bancorp tại bang Michigan với tài sản trị giá 1,43 tỷ USD và tiền gửi 870 triệu USD.

Trước đó, vào ngày 23/4, bảy ngân hàng có trụ sở tại bang Illinois của Mỹ cũng đã bị đóng cửa, làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang bị giảm 970 triệu USD.

Trong số này, Amcore Bank là ngân hàng lớn nhất, có 58 chi nhánh hoạt động trên toàn nước Mỹ, tài sản trị giá 3,8 tỷ USD và tiền gửi của khách hàng 3,4 tỷ USD.

Sáu ngân hàng khác bị đóng cửa cùng ngày với Amcore Bank là ngân hàng New Century Bank, Citizens Bank & Trust, Lincoln Park Savings Bank, Peotone Bank & Trust Co., Wheatland Bank và Wheaton Bank & Trust. Trị giá tài sản và tiền gửi của sáu ngân hàng này đều dưới 500 triệu USD.

Với 64 ngân hàng đổ vỡ trong bốn tháng đầu năm nay, FDIC sẽ phải chi gần 9,5 tỷ USD.

Năm ngoái là năm có số ngân hàng "sập tiệm" cao nhất (140) tính từ cuộc khủng hoảng tiền tiết kiệm và tiền vay năm 1992.

Số tiền bảo hiểm mà FDIC trả cho 140 ngân hàng đổ vỡ đã hơn 30 tỷ USD.

Theo các cơ quan chức năng, số ngân hàng bị đóng cửa trong năm nay sẽ nhiều hơn năm ngoái và FDIC có thể phải thanh toán khoảng 100 tỷ USD tiền bảo hiểm do các ngân hàng đổ vỡ trong bốn năm, từ 2010 đến hết 2013.

Theo Kim Yến (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm