Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu EU, Nga ‘mừng thầm’

Các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đang phát động một chiến dịch vận động trong bộ phận người Thổ đang sống ở châu Âu trước thềm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào 16-4. Sự kiện này được nhận định là nhằm trao quyền nhiều hơn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

EU đang trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Giới chức một số nước châu Âu gồm Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ đã cấm chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị tại nước mình. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phản ứng tức giận: “Họ nhất định sẽ trả giá đắt và sẽ được dạy thế nào là ngoại giao. Chúng tôi sẽ dạy cho họ biết về thuật ngoại giao quốc tế”.

Nhà báo (kiêm chuyên gia chính trị) Dan Glazebrook nhấn mạnh rằng nguyên nhân đứng đằng sau vụ lùm xùm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu chính là mối quan hệ đang ấm lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. “Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với phương Tây vì là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ hàng đầu trong việc vận chuyển vũ khí và binh sĩ trong cuộc chiến tranh ở Syria. Nhưng giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đang hàn gắn quan hệ với Nga, kẻ thù số một của NATO”. Cũng theo Glazebrook, việc châu Âu trục xuất các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhằm “trừng phạt” Ankara vì “sự lung lay trước các cam kết với phương Tây và chuyển hướng tới Moscow”.

Đáng chú ý, theo nhà phân tích chính trị John Bosnitch, sự đối đầu giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ dường như bùng phát chỉ vài giờ sau khi Ankara và Moscow thông báo hai nước bình thường hóa quan hệ trong chuyến thăm Nga hôm 10-3 của Tổng thống Erdogan. Theo ông, vụ lùm xùm ngoại giao này cho thấy các nước thành viên hàng đầu của NATO đang “phản đối một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng ở Syria”. Ông cũng cho rằng chính phủ Hà Lan can thiệp là để “ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) ngày càng căng thẳng với các nước phương Tây. Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có mừng thầm? Ảnh: KREMLIN PRESS

Nga mừng thầm

Tờ DW dẫn ý kiến của ông Metin Gurcan - nhà phân tích an ninh tại Trung tâm chính sách Istanbul: Tổng thống Nga Vladimir Putin xem Thổ Nhĩ Kỳ như “con ngựa thành Troy”. Ông chủ điện Kremlin muốn dùng Ankara để làm rung chuyển NATO và khiến phương Tây chìm sâu vào khủng hoảng. Nếu Tổng thống Putin lôi kéo thành công Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vòng tay NATO, Moscow sẽ giành được thắng lợi to lớn. Hiện nay, Tổng thống Erdogan đã bày tỏ sự sẵn sàng thách thức NATO và đây chính xác là những gì ông Putin muốn nhìn thấy, ông Metin Gurcan bình luận.

Trong khi đó, tờ Arab News cho rằng sự sứt mẻ trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU sẽ chỉ có lợi cho quan hệ giữa Ankara với Moscow vừa mới được bình thường hóa. Hai quốc gia này đã đồng ý hợp tác về vấn đề Syria và trong cuộc đàm phán Astana vốn giúp ích rất nhiều cho đàm phán Geneva về Syria - yếu tố then chốt trong quan hệ song phương.

Hơn nữa, ngược lại với phương Tây, Nga không can thiệp vào chính sách nội bộ của Tổng thống Erdogan và tỏ ra là bên tôn trọng các lời hứa hơn. Vì vậy, Nga được Thổ Nhĩ Kỳ xem là đối tác đáng tin cậy. Nhiều yêu cầu vô lý cùng những lời chỉ trích của phương Tây trong thời gian qua đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hơn, tờ Arab News đánh giá.

Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 13-3 đã ban hành khuyến cáo du lịch cho công dân nước này đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, chính phủ Hà Lan cảnh báo công dân nước này phải nâng cao cảnh giác khi tụ tập nơi đông người, thậm chí tránh đến những nơi công cộng ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo ANP.

__________________________

“Căng thẳng mới đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan có lẽ là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài” của quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU” - nhà phân tích chính trị John Wight nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm