Thổ Nhĩ Kỳ tập trận dằn mặt Iraq và người Kurd

Ngày 18-9, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tập trận quân sự tại biên giới với Iraq để dằn mặt người Kurd ở bắc Iraq, trong bối cảnh cuộc trưng cầu dân ý cho bộ phận người này độc lập sẽ diễn ra vào tuần tới.

Cuộc tập trận diễn ra ở cửa biên giới Habur giáp Iraq, với 100 xe quân sự - phần lớn là xe tăng, cùng với một số lượng xe chở tên lửa và súng bắn pháo.

Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là nước có cộng đồng người Kurd đông nhất khu vực – lo ngại cuộc trưng cầu này nếu có kết quả đồng ý sẽ thúc giục thêm phong trào đòi ly khai của người Kurd trong nước. Ba chục năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn vất vả đối phó với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu giành quyền tự trị.

Thổ Nhĩ Kỳ chưa nói sẽ có phản ứng gì một khi cuộc trưng cầu diễn ra. Tuy nhiên nước này đã lên lịch sẽ họp nội các và hội đồng an ninh quốc gia vào ngày 22-9 tới, 3 ngày trước khi cuộc trưng cầu diễn ra.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận gần biên giới với Iraq ngày 18-9. Ảnh: REUTERS

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận gần biên giới với Iraq ngày 18-9. Ảnh: REUTERS

Ngày 17-9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25-9 tới về khả năng người Kurd độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia, cảnh cáo sẽ có mọi biện pháp trả lời cần thiết.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ nói chuyện này với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khi hai ông tham dự kỳ họp Đại Hội đồng LHQ tại Mỹ tuần này.

Không riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng cảnh cáo hậu quả không lường trước nếu người Kurd ở Iraq nhất quyết trưng cầu. Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng đề nghị người Kurd ở Iraq hủy trưng cầu, lo ngại sự kiện này sẽ tạo căng thẳng và làm xao lãng cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Mỹ đã và đang hỗ trợ lực lượng tay súng người Kurd ở Iraq và Syria đánh IS. Điều này là một lý do khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nhiều thời gian gần đây.

Tin từ Reuters, ngày 18-9, Thủ tướng al-Abadi cho biết đã chính thức yêu cầu người Kurd hoãn trưng cầu. Quyết định của Thủ tướng al-Abadi được Tòa án Tối cao Iraq ủng hộ: “Tổ chức trưng cầu dân ý sẽ dẫn tới kết quả nguy hiểm, gây chia rẽ Iraq và đe dọa hòa bình”.

Tòa án Tối cao - có bổn phận giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa chính quyền trung ương và các tỉnh – đã yêu cầu chính quyền khu tự trị người Kurd ngừng cuộc trưng cầu. Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp lý, tuy nhiên không thể được thực hiện ở khu vực người Kurd vì nơi này có hệ thống cảnh sát riêng và chính quyền riêng do ông Massoud Barzani lãnh đạo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm