Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng

Ngày 20-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố ba tháng tình trạng khẩn cấp toàn quốc, theo Reuters (Mỹ). Trong khi đó, cuộc truy quét các phần tử liên quan cuộc đảo chính tối 15-7 (làm hơn 230 người thiệt mạng, khoảng 1.400 người bị thương) trong các lực lượng quân đội, tư pháp, công chức, giáo dục vẫn được đẩy mạnh.

Tổng thống Erdogan, thông báo sau năm tiếng họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, cho rằng biện pháp này hoàn toàn phù hợp hiến pháp. Theo đó tổng thống và nội các qua mặt Quốc hội trong việc ban hành một số luật, hạn chế hay ngưng một số quyền và sự tự do mà chính phủ xem là cần thiết.

Tổng thống Erdogan họp báo tại Ankara ngày 20-7.

Tổng thống Erdogan họp báo tại Ankara ngày 20-7. Ảnh: REUTERS

Tính đến ngày 20-6 đã có khoảng 60.000 binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức, giáo viên bị ngưng chức, một số bị bắt giữ điều tra liên quan cuộc đảo chính.

Hơn 6.000 người trong quân đội, từ lính tới tướng bị bắt giữ. Trong đó có khoảng 1/3 trong số gần 360 tướng lĩnh quân đội bị bắt, 99 người trong số này đã bị truy tố, 14 người vẫn đang bị giam điều tra. Bộ Quốc phòng đang điều tra toàn bộ thẩm phán và công tố viên quân đội, 262 người đã bị ngưng chức.

8.000 cảnh sát và 3.000 thẩm phán và công bố viên bị ngưng chức. Khoảng 100 nhân viên tình báo, 257 người tại văn phòng thủ tướng, 300 người tại Bộ Năng lượng cũng bị ngưng chức. Cuộc truy quét thanh trừng còn nhắm tới bộ phận công chức trong các ngành môi trường và thể thao. Các cơ quan truyền thông được cho là ủng hộ giáo sĩ Gulen bị đóng cửa.

Tù nhân bị bắt sau đảo chính.

Tù nhân bị bắt sau đảo chính. Ảnh: CNN

Hơn 20.000 giáo viên, nhân viên giáo dục bị ngưng chức. Từ ngày 20-7, những người có học hàm và vị trí cao trong ngành giáo dục bị cấm ra nước ngoài.  

Tổng thống Erdogan tuyên bố cuộc truy quét vẫn chưa kết thúc, nghi ngờ có sự tiếp tay của một số nước khác âm mưu lật đổ ông.

Theo CNN (Mỹ), Tổng thống Erdogan không loại trừ khả năng tử hình hàng ngàn người liên quan đảo chính, bất chấp cảnh báo từ quốc tế rằng điều này có thể ảnh hưởng cơ hội vào Liên minh châu Âu của nước này.

Người ủng hộ Tổng thống Erdogan xuống đường ở Ankara ngày 20-7.

Người ủng hộ Tổng thống Erdogan xuống đường ở Ankara ngày 20-7. Ảnh: REUTERS

Sở dĩ những người làm trong ngành giáo dục bị nhắm đến sau cuộc đảo chính này vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nghi họ liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen (hiện sống ở Mỹ), vốn bị Tổng thống Erdogan cho là kẻ đứng sau giật dây cuộc đảo chính.

Giáo sĩ Fethullah Gulen là người có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực ở Thổ Nhĩ Kỳ như tư pháp, quân đội, cảnh sát, đặc biệt là giáo dục. Ông lập khoảng 300 trường Gulen ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm