Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có thể sẽ phá sản

Thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và quân nổi dậy do hai ngoại trưởng Nga và Mỹ dàn xếp và đạt được nhất trí vào ngày 9-9 tại Genève (Thụy Sĩ). Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 19 giờ ngày 12-9 (giờ địa phương), trùng với lễ hiến sinh của các tín đồ Hồi giáo (lễ Eid al-Adha) và dịp lễ hành hương.

Ahrar Al-Sham là nhóm nổi dậy Syria đầu tiên chính thức tuyên bố bác bỏ thỏa thuận. Nhóm Ahrar Al-Sham cũng bác bỏ chương hai của thỏa thuận nêu Mỹ phải thuyết phục quân nổi dậy tách ra khỏi tổ chức thánh chiến Jabhat Fatah al-Sham (tên cũ là Mặt trận Al Nusra, chi nhánh Al Qaeda ở Syria).

Vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tuyên bố nhà nước Syria quyết tâm lấy lại toàn bộ các khu vực bị bọn khủng bố chiếm đóng và tái lập an ninh. Trong khi đó, người phát ngôn của Cao ủy Đàm phán (phe đối lập Syria) tuyên bố phe đối lập đề nghị được bảo đảm về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, đặc biệt là bảo đảm từ Mỹ.

Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố Iran ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Nga và Mỹ dàn xếp. Người phát ngôn nói muốn ngừng bắn lâu dài cần một cơ chế toàn diện để giám sát tình hình đồng thời phải kiểm soát biên giới để ngăn chặn người, vũ khí và tiền xâm nhập Syria.

Cùng ngày 12-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa một đoàn xe cứu trợ nhân đạo đến Aleppo (Syria) thông qua hành lang nhân đạo đã mở trước đó. Phó Thủ tướng Veysi Kaynak nêu rõ đoàn xe cứu trợ gồm 30 xe chở giày trẻ em, quần áo, lương thực và đồ chơi dưới sự giám sát của LHQ.

Các chuyên gia đánh giá thỏa thuận ngừng bắn lần này rất mong manh. Đầu tiên là tiền lệ từ lần thỏa thuận ngừng bắn lần đầu (ngày 27-2-2016), vi phạm ngừng bắn liên tục xảy ra, rốt cuộc đến tháng 4 xung đột lại bùng phát. Kế đến là vấn đề xác định nhóm nổi dậy nào không phải khủng bố. Một số nhóm bị Nga xem là khủng bố thì đôi khi lại được Mỹ hậu thuẫn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm