Thủ tướng Pháp: 'Sẽ có nhiều vụ tấn công giống Paris'

Đó là thông điệp cảnh báo của Thủ tướng Pháp Manuel Valls tại Hội nghị An ninh Munich vào hôm 12 đến 14-2.
“Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới với sự hiện diện cao độ của chủ nghĩa khủng bố” - thủ tướng Pháp phát biểu. 
Vị này nói thêm: “Chúng ta phải nhận thức được các nguy cơ và phải phản ứng thật quyết liệt và tỉnh táo. Sẽ còn nhiều cuộc tấn công nữa. Các cuộc tấn công quy mô lớn. Đó là điều chắc chắn. Chủ nghĩa khủng bố cao độ đã có mặt ở đây”.
Trong cuộc họp kéo dài ba ngày tại TP miền Nam nước pháp, nhiều nguyên thủ của các nước châu Âu đã tham dự, trong đó có cả Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
“Tư tưởng cuồng tín có một sức mạnh rất đáng gờm và nếu chúng ta bước qua thời kỳ mới này, đó là bởi vì tư tưởng khủng bố cực đoan đã ở ngay trong lòng xã hội của chúng ta”.

Trong năm ngoái, nước Pháp đã chịu hai vụ tấn công lớn. Vụ thứ nhất là vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo vì dám vẽ châm biếm nhà tiên tri Mohammed và vụ tấn công diện rộng tại Paris vào hồi tháng 11, đã giết chết 130 người ở nhiều địa điểm khác nhau trong TP.

 Thủ tướng Pháp Manuel Valls. 

Cùng với lời kêu gọi của thủ tướng Pháp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã thúc giục Nga thay đổi mục tiêu quân sự trong các chiến dịch hậu thuẫn chính quyền Syria và cảnh báo về nguy cơ người nhập cư.

“Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II đến nay. Nước Mỹ hiểu được nguy cơ đang dần thành hình đối với nền chính trị và từng mặt của đời sống hiện nay tại châu Âu” - ông Kerry phát biểu trong cuộc họp. 
“Cho đến nay phần lớn các cuộc tấn công của Nga đều nhằm vào các nhóm đối lập hợp pháp. Nếu nước Nga tôn trọng những thỏa ước của mình, chúng tôi cho rằng nước này cần phải thay đổi các mục tiêu cần nhắm vào” - vị này nói.
Vấn đề chiến tranh tại Syria là chủ đề bao trùm hội nghị lần này. Nga đến nay vẫn thực hiện các đợt không kích nhằm hỗ trợ chính quyền của ông Bashar al-Assad chống lại các nhóm bị gán là “khủng bố”. Phía Mỹ cũng cung cấp đạn dược cho quân nổi dậy đồng thời kêu gọi ông Assad thôi nắm quyền.
Thỏa thuận vào hôm thứ Sáu kêu gọi các lực lượng đối lập ngừng bắn trong vòng một tuần nhằm tạo thuận lợi cho viện trợ nhân đạo, tuy nhiên thỏa thuận này không bao gồm lực lượng IS và mặt trận Nursa.
Châu Âu hiện đang bị chia rẽ nghiêm trọng trong việc giải quyết khủng hoảng người nhập cư từ các nước chiến tranh. 
Trong năm ngoái, Đức đã nhận 1,1 triệu người nhập cư. Thụy Điển và Áo cũng nhận lượng lớn người nhập cư. Trong khi đó, Ý và Hy Lạp trở thành cửa ngõ cho luồng người di cư từ Trung Đông và châu Phi.
Mặc dù vậy, nhiều quốc gia EU khác, đặc biệt là các nước Đông Âu hiện vẫn giữ thái độ chần chừ, không chịu mở cửa cho người nhập cư.

Ông Kerry nhấn mạnh rằng đây là thời khắc quan trọng trong cuộc chiến tranh đã kéo dài năm năm tại Syria và làm chết hơn 250.000 người: “Các quyết định được đưa ra trong những ngày, những tuần tiếp theo và nhiều tháng sau có thể giúp kết thúc chiến tranh Syria hoặc cũng có thể gây ra nhiều khó khăn mới cho tương lai".

"Cuộc chiến tranh Syria đã kéo dài gần năm năm và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Đó là lý do chúng ta phải tập trung vào một giải pháp chính trị. Nếu cộng đồng quốc tế và bản thân người dân Syria bỏ lỡ cơ hội đang ở trước chúng ta ngày hôm nay để đạt được một thỏa thuận chính trị cho cuộc xung đột thì bạo lực đẫm máu, các vụ tra tấn, các vụ đánh bom, sự giận dữ sẽ tiếp tục và theo đó là tiếng còi kêu gọi các chiến binh thánh chiến vẫn sẽ tiếp tục vang lên”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm