Thượng đỉnh Mỹ-Triều sau bầu cử Mỹ

Tờ Bloomberg hôm qua (10-10) dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lịch trình chiến dịch vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 6-11 tới đây không cho phép Mỹ và Triều Tiên thực hiện chương trình thượng đỉnh song phương lần thứ hai cho đến khi bầu cử kết thúc. “Tôi không thể rời bỏ công việc bây giờ được” - ông Trump nói với các phóng viên khi đang trên Air Force One để đến Council Bluffs, một điểm tổ chức vận động bầu cử thuộc bang Iowa.

Ưu tiên cho bầu cử

Hiện nay quyền kiểm soát của phe Cộng hòa trong Quốc hội đang ở thế khá cân bằng so với phe Dân chủ, điều đó đòi hỏi ông Trump phải dồn sức nhiều hơn nếu muốn duy trì sức mạnh của phe Cộng hòa trước sức ép ngày càng gia tăng của phe đối lập. Thậm chí một số chuyên gia cho rằng rất có khả năng Hạ viện sẽ rơi vào tay đảng Dân chủ, trong khi việc giành lại Thượng viện lại là nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều.

Dù cuộc bầu cử tháng 11 mới đóng vai trò cấp bách trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng nhưng ông Trump không quên thông báo chính quyền Mỹ đã đạt được những tiến triển đáng kinh ngạc trong các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân với Bình Nhưỡng. Đồng thời, hai nước đang tiến hành cân nhắc từ ba đến bốn địa điểm để tổ chức chương trình thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai sau lần thứ nhất tại Singapore.

Trước đó, ông Trump cho biết các cuộc thảo luận về thượng đỉnh lần hai với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đang diễn ra và các nội dung chi tiết sẽ sớm đạt được sự đồng thuận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm Chủ nhật vừa qua kết thúc chuyến thăm Triều Tiên và ông Trump khẳng định cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pompeo với ông Kim Jong-un đã diễn ra tốt đẹp.

Triều Tiên tuyên bố chấp thuận phi hạt nhân hóa và “cho phép sự giám sát, thanh tra quốc tế” để khẳng định quá trình phi hạt nhân hóa là “không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, Triều Tiên đặt điều kiện chỉ thực hiện lời hứa khi Mỹ có hành xử tương ứng, hàm ý yêu cầu Washington tham gia ký kết hiệp định hòa bình, chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên 1950 (và đình chiến từ năm 1953); xem xét gỡ bỏ lệnh cấm vận.

Phía Mỹ vẫn chưa đưa ra chi tiết quyết định về hành động hồi đáp tương xứng với Triều Tiên. Washington lo ngại nếu nhượng bộ không thận trọng, Bình Nhưỡng sẽ “lấn tới”, nhất là khi ông Kim chưa đả động đến việc công bố thông tin và quyết định số phận của số vũ khí hạt nhân và các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên nắm giữ. Triều Tiên cho đến nay chỉ đề cập đến các bãi thử hạt nhân và tên lửa.

Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Kim. Ảnh: AFP/GETTY

Hàn-Triều tiếp tục ấm lên

Trong khi Mỹ-Triều Tiên vẫn loay hoay với các cuộc họp song phương mà chưa có những động thái rõ ràng mang tính hứa hẹn cho tương lai thì quan hệ Seoul và Bình Nhưỡng tiếp tục ấm lên thấy rõ. Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho hay Hàn Quốc đang xem xét khả năng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.

Tôi nhận thấy tiến triển hiện nay rất kinh ngạc. Chúng ta không còn thấy thử hạt nhân và phóng tên lửa. Tôi cũng có quan hệ rất tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong-un. Tôi thích ông ấy và ông ấy cũng thích tôi.

Tổng thống DONALD TRUMP 

Tại phiên điều trần trước quốc hội hôm qua (10-10), Ngoại trưởng Kang cho biết Bộ Ngoại giao nước này đang thảo luận với các cơ quan chức trách có liên quan về khả năng gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng sau vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đắm ở biển Hoàng Hải vào tháng 3-2010. Cụ thể thời điểm đó, chiếc tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc bất ngờ bị nổ, gãy đôi và chìm ở khu vực biển Hoàng Hải. Triều Tiên sau đó đã lên tiếng khẳng định không liên quan đến vụ việc khi bị Hàn Quốc cáo buộc đứng sau vụ tấn công. Quan hệ hai nước càng trở nên căng thẳng khi Hàn Quốc tiến hành trừng phạt Triều Tiên từ ngày 24-5-2010, cấm dân Hàn Quốc du lịch và làm ăn với Bình Nhưỡng, cũng như chấm dứt viện trợ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sau đó ra thông báo chính thức, nói rằng các ý kiến của Ngoại trưởng Kang không đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã có những đánh giá một cách đầy đủ về những gì đang diễn ra. Thay vào đó, Ngoại trưởng Kang đang muốn tìm kiếm sự “linh hoạt” trong việc xem xét mối quan hệ liên Triều trong bối cảnh hai nước đã tiến hành các cuộc đàm phán gần đây. Điều đó sẽ không trái lại với các lệnh trừng phạt từ phía Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng từ năm 2017.

Chưa rõ địa điểm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai

Tổng thống Trump cho biết cuộc gặp lần thứ hai với Chủ tịch Kim Jong-un rất có thể sẽ diễn ra ở một nơi khác hơn so với Singapore. Các quan chức Triều Tiên đề nghị tổ chức tại Bình Nhưỡng. Một số đề xuất cho rằng Geneva (Thụy Sĩ) hay Stockholm (Thụy Điển). Trong khi đó, trang Politico cho biết khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tập đoàn Trump tại Florida cũng nằm trong danh sách cân nhắc. Ông Trump nói sau cùng thì hai bên sẽ có nhiều cuộc họp trên đất Mỹ và ở Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm