Tillerson gặp Putin, Lavrov: Kết quả nhỏ nhoi

Các cuộc hội đàm dài ngày 12-4 tại Nga giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mang lại kết quả hết sức hạn chế.

Ngoại trưởng Tillerson đã có gần 2 tiếng nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Putin, sau khoảng 3 tiếng hội đàm với Ngoại trưởng Lavrov. Ông Putin gặp ông Tillerson vào phút chót là quyết định bất ngờ bởi một ngày trước đó điện Kremlin tuyên bố ông Putin sẽ không tiếp ngoại trưởng Mỹ. Theo Reuters, đây là tín hiệu cho thấy Nga vẫn chưa từ bỏ hy vọng hợp tác với chính phủ Mỹ mới, cố gắng cải thiện quan hệ hai bên vốn đang ở mức tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Hai Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và Mỹ Tillerson tại cuộc họp báo ngày 12-4 ở Moscow (Nga). Ảnh: REUTERS

Hai Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và Mỹ Tillerson tại cuộc họp báo ngày 12-4 ở Moscow (Nga). Ảnh: REUTERS

Tại cuộc họp báo chung giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ sau khi ông Tillerson găp cả ông Lavrov và Putin, ông Lavrov hầu như dành phần lớn thời gian nói của mình chỉ trích hành động nã tên lửa vào Syria của Mỹ, nói rằng đây là hành động can thiệp vô ích.

Theo ông Lavrov, Nga dù không hy vọng mấy vào ông Assad hay bất cứ cá nhân nào ở Syria nhưng cho rằng lật đổ chính phủ Syria không phải là phương án tốt, mà đó phải là một tiến trình đàm phán chính trị.

“Hôm nay chúng tôi đã bàn về ông Assad. Tôi không nhớ có bất kỳ một ví dụ tích cực nào về việc một nhà độc tài bị lật đổ và mọi thứ sau đó sẽ tốt cả”.

Ông Tillerson dù có giọng điệu hòa giải hơn, nhưng cũng khẳng định quan điểm của Mỹ là Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên từ bỏ quyền lực. Ông cũng thừa nhận quan hệ và niềm tin hai bên đang ở mức thấp không thể chấp nhận: “Hai cường cuốc hạt nhân hàng đầu thế giới không thể có quan hệ kiểu này”.

Tại cuộc họp báo, ông Tillerson cho biết ông đã nói với Tổng thống Putin rằng quan hệ hai nước xấu đi không phải chỉ vì Syria, mà còn vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng như nhiều bất đồng khác.

Các cuộc hội đàm này không giúp hai bên giải tỏa căng thẳng mới phát sinh sau vụ Mỹ nã tên lửa vô Syria. Ông Tillerson cũng không đạt được mục tiêu thuyết phục Nga từ bỏ đồng minh Syria.

Kết quả khiêm tốn mà ông Tillerson mang về là Nga-Mỹ thống nhất thành lập nhóm hành động hàn gắn quan hệ, và Tổng thống Putin đồng ý khôi phục thỏa thuận an toàn bay Nga-Mỹ ở Syria, vốn bị ngưng sau khi Mỹ nã tên lửa vào Syria sáng 7-4. Thậm chí thành công nhỏ nhoi này cũng phải kèm điều kiện: Nga chỉ khôi phục khi Mỹ và các đồng minh chuyên tâm đánh khủng bố chứ không phải nhắm vào quân chính phủ Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm