Tổng thống Pháp nhạo ông Trump rút khỏi TT khí hậu

Ngày 1-6 tại Nhà Trắng, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận việc Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris – vốn đã được trang tin Axios đưa hai ngày trước. Bên cạnh xác nhận chuyện rút đi ông Trump cũng để mở khả năng thương lượng lại thỏa thuận theo hướng có lợi cho Mỹ hơn.

Theo Nhà Trắng, ông Trump trong ngày 1-6 đã có các cuộc điện đàm với 4 lãnh đạo Đức, Pháp, Canada, Anh, giải thích về quyết định của mình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa cho thấy sự cứng rắn và cương quyết của mình trong lĩnh vực ngoại giao. Phát biểu trên truyền hình tối 1-6, ông Macron khẳng định quyết định của ông Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của nước Mỹ và công dân Mỹ, thẳng thừng rằng không có chuyện thương lượng lại thỏa thuận.

“Ông Trump đã mắc phải một sai lầm với quyền lợi đất nước mình, người dân mình, và với tương lai hành tinh” – Tổng thống Macron nói bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh – “Tối nay tôi khẳng định chắc chắn với các bạn: Chúng tôi sẽ không thương lượng lại để có một thỏa thuận ít tham vọng hơn. Không đời nào. Đừng viển vông về vấn đề khí hậu, không có kế hoạch B nào vì chúng ta không có hành tinh B nào”.

Ông Macron phát biểu trên truyền hình Pháp tối 1-6 sau khi ông Trump xác nhận rút khỏi thỏa thuận khí hậu. Ảnh: AFP

Ông Macron phát biểu trên truyền hình Pháp tối 1-6 sau khi ông Trump xác nhận rút khỏi thỏa thuận khí hậu. Ảnh: AFP

Trên truyền hình và cả trên Twitter, ông Macron đã nhại lại câu khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump thành câu “Đưa hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại”.

Không chỉ Pháp, các đồng minh lớn của Mỹ như Đức, Ý bác bỏ đề xuất của ông Trump sửa đổi thỏa thuận.

Trước khi ông Trump đi đến quyết định này, nhiều lãnh đạo thế giới kể cả Giáo hoàng Francis kêu gọi ông Trump không từ bỏ thỏa thuận. Tại hội nghị G7 tuần trước, bất kể áp lực từ các thành viên ông Trump vẫn từ chối tán thành thỏa thuận.

Các lãnh đạo thế giới lo ngại việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ có tác động xấu đến quá trình thực hiện thỏa thuận, có thể sẽ có thêm nước theo chân Mỹ rút đi, hoặc giảm cam kết cắt giảm khí thải. Lý do Mỹ là nước sản xuất khí thải lớn thứ hai thế giới – chiếm 15% toàn cầu, sau Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết cắt giảm từ 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025.

Trước mắt, Liên minh châu Âu, Trung Quốc đã cam kết sẽ tôn trọng thỏa thuận, dù Mỹ có rút đi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm