Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản pháo yêu sách của Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22-1 lên tiếng chỉ trích yêu cầu của Mỹ cần giới hạn thời gian và quy mô Chiến dịch "Cành ô liu" mà nước này đang thực hiện nhắm vào lực lượng tay súng người Kurd (YPG) ở TP Afrin, Syria.

Chiến dịch mở màn từ ngày 20-1 với màn không kích quy mô lớn. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đổ bộ vào Syria từ ngày 21-1. Thủ tướng nước này Binali Yildirim tuyên bố mục tiêu chiến dịch là tạo một vùng an ninh sâu khoảng 30 km từ biên giới hai nước kéo sâu vào bên trong Syria.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào TP Afrin (Syria) ngày 22-1. Ảnh: REUTERS

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào TP Afrin (Syria) ngày 22-1. Ảnh: REUTERS

Họp báo trước đó cùng ngày, Thư ký truyền thông Nhà Trắng Sarah Sanders nói Mỹ hiểu được “lo ngại an ninh hợp pháp” của Thổ Nhĩ Kỳ, “cam kết hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh NATO”. Tuy nhiên theo bà Sanders, bạo lực ở Afrin làm xao lãng nỗ lực quốc tế chống IS, có thể là điều kiện để IS và Al-Qaeda hồi phục, đồng thời tăng rủi ro về khủng hoảng nhân đạo.

Bà Sanders đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ “kiềm chế trong hành động quân sự và phát ngôn, đảm bảo hạn chế quy mô và thời gian chiến dịch, duy trì hỗ trợ nhân đạo, tránh thương vong dân thường”.

Trong khi đó họp báo tại London (Anh) cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Mỹ rất lo ngại hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng hạn chế chiến dịch.

Tuy nhiên, phát biểu tại một buổi lễ ở Ankara ngày 22-1, ông Erdogan cứng rắn chiến dịch “sẽ chỉ kết thúc khi đạt được mục tiêu như đã đạt được ở chiến dịch Lá chắn sông Euphrates”.

“Mỹ nói chiến dịch không được kéo dài quá lâu. Và tôi muốn hỏi Mỹ, quý vị đã ở Afghanistan bao lâu rồi, và khi nào thì chấm dứt? Quý vị đến Iraq trước khi tôi nắm quyền. Quý vị có khung thời gian chấm dứt hiện diện ở Iraq không? Quý vị vẫn tiếp tục ở đó” – ông Erdogan chỉ trích Mỹ.

Lính Mỹ và NATO ở Kabul (Afghanistan). Ảnh: REUTERS

Lính Mỹ và NATO ở Kabul (Afghanistan). Ảnh: REUTERS

Ông Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ kế hoạch nào chiếm đóng lãnh thổ của một nước khác và rồi sẽ rời đất Syria. Chiến dịch không nhắm vào số đông dân thường người Kurd mà chỉ nhắm vào thành phần khủng bố.

“Rất rõ ràng chúng tôi không có bất kỳ vấn đề gì với các công dân người Kurd của chúng tôi, hay về một hành lang người Kurd. Mục đích chính của chiến dịch này là đóng góp vào an toàn và thịnh vượng của người dân Syria cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cùng với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ” – theo ông Erdogan.

Có vẻ dù thế nào Mỹ cũng sẽ không để mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Tại London ông Tillerson bác bỏ viễn cảnh quan hệ hai nước sẽ xấu đi sau việc này: “Tôi không nghĩ các bạn sẽ chứng kiến hai đồng minh NATO đối đầu nhau”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm