Triều Tiên thử động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Một ngày sau cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung chủ yếu về lo ngại Triều Tiên, ngày 22-6 Triều Tiên thực hiện tiếp một vụ thử động cơ tên lửa, truyền thông Mỹ dẫn thông tin từ một quan chức Mỹ cho biết. Mỹ tin rằng động cơ tên lửa này là một phần của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Một quan chức Mỹ khác xác nhận với Reuters vụ thử mới nhất này. Cùng với thử tên lửa, từ đầu năm đến nay Triều Tiên cũng đã có nhiều lần thử động cơ tên lửa. Động thái thử động cơ tên lửa của Triều Tiên đến ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc thống nhất kiềm chế các chương trình hạt nhân – tên lửa Triều Tiên. Mỹ tiếp tục thúc giục Trung Quốc tăng áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên.

Một vụ thử động cơ tên lửa Triều Tiên ở Trung tâm Không gian Sohae ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Một vụ thử động cơ tên lửa Triều Tiên ở Trung tâm Không gian Sohae ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Lục địa Mỹ cách Triều Tiên khoảng 9.000km. Tên lửa ICBM có tầm bắn tối thiểu 5.500km, một số có thể bắn tới 10.000km hoặc xa hơn.

Báo cáo Quốc hội Mỹ tháng trước, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cảnh báo nếu để mặc Triều Tiên thì chuyện nước này sở hữu tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới nước Mỹ là chắc chắn. Theo nhiều chuyên gia, Mỹ còn vài năm nữa để ngăn chặn Triều Tiên sở hữu loại vũ khí này.

Có thể hình dung lo ngại này của Mỹ qua việc Mỹ thử thành công tên lửa đánh chặn tên lửa ICBM hồi tháng 5. Ngày 21-6 Mỹ cũng đã thử tên lửa đánh chặn tên lửa tầm ngắn, nhưng không thành công.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) quan sát một vụ thử động cơ tên lửa Triều Tiên ở Trung tâm Không gian Sohae ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) quan sát một vụ thử động cơ tên lửa Triều Tiên ở Trung tâm Không gian Sohae ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Kiềm chế Triều Tiên là ưu tiên an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng đe dọa có khả năng xảy ra “xung đột lớn” với Triều Tiên, mọi khả năng đều được cân nhắc, kể cả đánh phủ đầu. Tuy nhiên tới thời điểm này phương án sử dụng sức mạnh quân sự vẫn không được ủng hộ. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lo ngại giải pháp quân sự có thể gây ra thảm kịch.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm