Triều Tiên thử hạt nhân lần 6, Mỹ dọa tận diệt

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 3-9 cảnh cáo Triều Tiên sẽ gặp “phản ứng quân sự nghiêm trọng” nếu tấn công Mỹ hay đồng minh của Mỹ, rằng Mỹ dù không chủ ý “tìm kiếm tận diệt Triều Tiên” nhưng “có rất nhiều phương án để làm điều này”.

“Chúng tôi có khả năng tự bảo vệ mình và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật nếu bị tấn công, và cam kết của chúng tôi không gì bác bỏ được” – ông Mattis tuyên bố trong buổi họp báo bên ngoài Nhà Trắng ngày 3-9.

 “Bất kỳ đe dọa nào với Mỹ hay lãnh thổ của Mỹ - trong đó gồm cả Guam, hay các đồng minh của Mỹ sẽ phải chịu phản ứng quân sự nghiêm trọng, một phản ứng cả hiệu quả và áp đảo”.

“Chúng tôi không tìm kiếm tận diệt Triều Tiên. Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi có rất nhiều phương án để làm điều này. Hôm nay chúng tôi có một cuộc họp an ninh quốc gia với tổng thống và phó tổng thống....Chúng tôi có nhiều phương án quân sự và tổng thống muốn được báo cáo về một trong các phương án này”.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nên chú ý đến tiếng nói thống nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Tất cả thành viên có cùng quan điểm về sự đe dọa Triều Tiên. Và các nước cũng đồng lòng duy trì cam kết giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” – theo ông Mattis, đề nghị Triều Tiên tôn trọng các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ. Nghị quyết mới nhất vừa được ban hành tháng trước.

Với tuyên bố này ông Mattis đã về cùng đứng về phía Tổng thống Donald Trump sau một thời gian bất đồng khi ông vẫn khẳng định quan điểm ngoại giao và đối thoại với Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford họp báo ra tuyên bố về Triều Tiên trước Nhà Trắng ngày 3-8. Ảnh REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford họp báo ra tuyên bố về Triều Tiên trước Nhà Trắng ngày 3-8. Ảnh REUTERS

Ngày 3-9, Triều Tiên thông báo đã thực hiện “hoàn toàn thành công” một vụ thử bom hydrogen có thể gắn vào một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuyên bố này phù hợp với việc thiết bị khoa học của Mỹ đã phát hiện xảy ra một vụ động đất nhân tạo quanh cở sở quân sự Punggye-ri của Triều Tiên, cho thấy vụ thử này mạnh hơn rất nhiều 5 vụ thử bom hạt nhân trước của Triều Tiên.

Phản ứng trước thông tin vụ thử bom hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật cho biết sẽ vận động HĐBA LHQ trừng phạt thêm.

“Tổng thống Moon Jae-in nói sẽ không bao giờ cho phép Triều Tiên tiếp tục phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa” – ông Chung Eui-yong, cố vấn tổng thống Moon tuyên bố sau cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 3-9.

Trên Twitter, Tổng thống Trump liên tục cập nhật trạng thái, lên án vụ thử bom hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên là “hành động rất thù địch và nguy hiểm với Mỹ”, cảnh cáo Mỹ sẵn sàng sử dụng mọi phương án với Triều Tiên, kể cả hạt nhân.

Nga và Trung Quốc – vốn có biên giới với Triều Tiên – đề nghị Mỹ và Triều Tiên bình tĩnh, không có hành động nào có thể dẫn đến chiến tranh.

Nhận định về đe dọa Triều Tiên với Mỹ, nói với Russia Today ngày 3-9, nhà phân tích an ninh Charles Shoebridge cho rằng đó không phải nằm ở vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mà là ở sức mạnh quân đội thông thường của nước này.

“Đe dọa chính không phải là việc nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân mà là Triều Tiên có sức mạnh quân đội thông thường áp đảo, đặc biệt sức mạnh pháo binh, mà nếu Mỹ tấn công sẽ bị trả đũa không cần thiết, có thể dẫn đến cái chết của hàng chục ngàn người”.

Về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên, theo nhà phân tích Shoebridge, chúng không chỉ là mối đe dọa thực sự với các láng giềng trong khu vực mà với cả Mỹ, khi có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nếu phóng nhiều tên lửa cùng một lúc. Theo ông, năng lực của các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) của Mỹ đã được nói quá lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm