Triều Tiên vào danh sách đen, Trung Quốc nhận cú sốc

Ngày 21-11 (giờ Washington), Mỹ đã áp đặt gói trừng phạt mới nhằm vào 13 tổ chức của Trung Quốc và Triều Tiên với cáo buộc giúp Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt trước đó và hỗ trợ nước này thông qua giao thương, theo Reuters.

Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Quyết định này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có thể đưa ra thêm nhiều lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Gói trừng phạt mới cho thấy chính quyền ông Trump hiện tập trung nỗ lực để cắt đứt việc làm ăn giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Đối với Washington, đây chính là chìa khóa để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng phóng tới nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có mặt tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9-11 trong chuyến công du Trung Quốc hai ngày. Ảnh: GETTY

Cụ thể, loạt trừng phạt mới bao gồm đưa ba công ty của Trung Quốc là Tập đoàn kinh tế và thương mại Dandong Kehua, Tập đoàn thương mại Dandong Xianghe và Tập đoàn thương mại Dandong Hongda vào danh sách đen. Theo Bộ Tài chính Mỹ, ba công ty này đã thực hiện các giao dịch thương mại trị giá 750 triệu USD với Triều Tiên.

Lệnh trừng phạt còn liệt ông Sun Sidong và Tập đoàn công nghiệp Dandong Dongyuan của ông vào danh sách đen. Công dân Trung Quốc này được cho là một trong những “chân rết” lớn giúp Triều Tiên lách lệnh trừng phạt. Nhóm nghiên cứu C4ADS (Mỹ) hồi tháng 6 từng cho biết ông này có mối liên hệ với hàng loạt công ty Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì làm ăn với Triều Tiên.

Điều đáng chú ý là các cá nhân và công ty Trung Quốc bị nhắm tới đa số đến từ TP Đan Đông. TP này thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, nằm sát biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Anthony Ruggiero, chuyên gia về Triều Tiên tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD), cho biết chính phủ Trung Quốc hiện không áp đặt các quy định về tài chính gắt gao tại TP Đan Đông. Do đó, nơi đây thu hút các công ty muốn tìm kiếm lợi nhuận bằng việc trao đổi buôn bán với phía Triều Tiên.

Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào một số công ty Triều Tiên chuyên đưa lao động sang làm việc tại các nước như Nga, Ba Lan, Campuchia và Trung Quốc. Giới chức Mỹ cho biết Washington đang tìm cách ngăn Triều Tiên tìm kiếm ngoại tệ bằng cách xuất khẩu lao động.

Cùng với việc ngăn chặn nguồn tài chính để cung cấp cho chương trình vũ khí của Triều Tiên, gói trừng phạt mới cũng đánh dấu Mỹ lần đầu tiên tìm cách can thiệp trực tiếp nhằm vào việc giao thương thường nhật của Triều Tiên.

“Điều mà bạn thấy ở đây chính là Mỹ đang trừng phạt những công ty có dính dáng tới hoạt động buôn bán thường ngày với Triều Tiên. Đó là bước đi hợp lý kế tiếp trong kế hoạch gây áp lực” - chuyên gia Peter Harrell tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định.

Ngay trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 8 và 9-11 vừa qua, ông Trump cũng đã khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ quyết tâm tiến hành phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Bắc Kinh phải hành động “tích cực hơn” đối với vấn đề này, trong đó có cắt giảm các quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm