Trung Quốc đang gia tăng xâm chiếm truyền thông

Báo New York Times (Mỹ) ngày 17-8 (giờ địa phương) đã đăng bài viết với nhan đề Tìm kiếm quyền lực mềm, Trung Quốc đặt dấu ấn lên truyền thông châu Phi.

Xâm chiếm truyền thông

Theo bài báo, hiện ở Kenya, người dân có thể dễ dàng xem tin quốc tế từ chi nhánh các đài truyền hình CCTV News hoặc CNC World của Trung Quốc. Các tờ báo ấn bản tiếng Anh thuộc hàng lớn nhất ở Kenya liên tục đưa lại các bài viết của Tân Hoa xã Trung Quốc. Đó là thành quả của nỗ lực xâm chiếm truyền thông của Trung Quốc tại quốc gia châu Phi này.

Về phát thanh, đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) đang hiện diện bên cạnh các đài phát thanh VOA (Mỹ) hoặc BBC (Anh). Các bản tin lạc quan trong quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi cũng như các chuyến công du toàn cầu, đặc biệt là các chuyến công du đến châu Phi, của các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn được CRI ưu tiên phát sóng.

Báo New York Times dẫn lời phàn nàn của biên tập viên hàng đầu Eric Shimoli của báo The Daily Nation (được đọc nhiều nhất ở Kenya) rằng có bị mù thì mới không nhận ra Trung Quốc đang xâm chiếm truyền thông Kenya. Từ năm 2011, báo The Daily Nation đã trở thành đối tác của Tân Hoa xã.

Biên tập ảnh Joan Pereruan của báo The Daily Nation cho biết từ khi báo này ký thỏa thuận đối tác với Tân Hoa xã, phía Trung Quốc luôn thúc giục và gây áp lực để báo The Daily Nation đăng các bài báo và hình ảnh của Tân Hoa xã.

Trung Quốc đang gia tăng xâm chiếm truyền thông ảnh 1

Kênh truyền hình CCTV News của Trung Quốc phát sóng ở thủ đô Nairobi (Kenya). Ảnh: NEW YORK TIMES

Nỗ lực bành trướng thông tin

CCTV News hiện đã có thể hoạt động ở Kenya với sáu ngôn ngữ. Một trong những dự án lớn nhất của CCTV News lúc này là thiết lập kênh nói tiếng Ả Rập.

Báo New York Times ghi nhận trong thời buổi này, vì khó khăn tài chính, hầu hết các công ty truyền thông phương Tây đều co cụm hoạt động để giảm bớt chi phí. Châu Âu và Mỹ cũng đã giảm hỗ trợ cho các cơ quan báo chí độc lập ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, hầu hết các đài phát thanh-truyền hình và cơ quan báo chí tư nhân đã đóng cửa nhiều văn phòng đại diện ở nước ngoài.

Trái ngược với thực tế đó, các tập đoàn truyền thông Trung Quốc vẫn tích cực mở rộng hoạt động rất nhanh ở châu Phi cũng như ở các nước đang phát triển khác. Trung Quốc đã chọn Nairobi (Kenya) làm tâm điểm cho chiến lược mở rộng truyền thông ở châu Phi vì Nairobi được xem như trung tâm truyền thông của các nước nói tiếng Anh ở Đông Phi.

Báo New York Times nhận định Trung Quốc hy vọng sẽ nâng cao hình ảnh và ảnh hưởng của Trung Quốc đặc biệt ở châu Phi, khu vực giàu tài nguyên cần cho các ngành công nghiệp Trung Quốc và có đất đai rộng giúp Trung Quốc giảm bớt áp lực mật độ dân số.

Mũi nhọn CRI

Tuy nhiên, theo báo New York Times, đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của báo chí Trung Quốc đối với người dân Kenya vẫn hạn chế so với ảnh hưởng của báo giấy, phát thanh, truyền hình nội địa.

Bà Vivien Marles, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu truyền thông InterMedia Africa (Kenya), cho biết phần lớn người dân Kenya vẫn chỉ quan tâm đến tin tức chính trị và các thể loại tin tức khác trong nước.

Dù sao chăng nữa, bà Vivien Marles cũng công nhận tầm ảnh hưởng của truyền thông Trung Quốc đang dần dần được mở rộng, cụ thể là đài phát thanh CRI.

Ông Woka Nyagwoka, chủ Tập đoàn Truyền thông Standard Group ở Kenya, chủ sở hữu hai tờ báo, một đài truyền hình và một đài phát thanh, ghi nhận hiện tượng nhiều biên tập viên rất lưỡng lự trước thông tin quốc tế do truyền thông Trung Quốc đưa ra, đặc biệt là thông tin từ các nước thân thiết với Trung Quốc như Sudan.

Theo báo New York Times, đạo diễn truyền hình Abebe Gellaw của đài truyền hình vệ tinh Ethiopia (ở nước ngoài, theo xu hướng chống đối chính phủ Ethiopia) lo ngại Trung Quốc sẽ không mang lại tự do thông tin và tự do ngôn luận cho châu Phi.

Ngoài châu Phi, Trung Quốc cũng đã vung tiền phát triển truyền thông ở các nước phương Tây. Ở Mỹ hồi tháng 2, đài truyền hình CCTV News đã lập trung tâm sản xuất chương trình truyền hình ở Washington với 80 nhà báo. Năm ngoái, Tân Hoa xã đã ra mắt chi nhánh tại một tòa nhà chọc trời ở Manhattan (New York) và đặt logo tại quảng trường Thời đại.

Nhằm mở rộng ảnh hưởng và gia tăng cạnh tranh với truyền thông phương Tây, ngoài châu Phi, Tân Hoa xã cũng thường xuyên hỗ trợ cho nhiều cơ quan truyền thông đang gặp khó khăn về tài chính ở Mỹ La tinh và Đông Nam Á.

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm