Trung Quốc nói mình là 'nạn nhân thực sự trong vấn đề biển Đông'

Phát biểu tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố Trung Quốc không muốn vấn đề biển Đông được đem ra thảo luận tại Hội nghị Đông Á ở Kuala Lumpur trong tuần này, nơi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng có mặt. Tuy nhiên, ông Lưu lưu ý rằng chuyện này khó tránh và nhiều nước sẽ nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị.

Tàu nạo vét Trung Quốc xuất hiện tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 21-5-2015 (Ảnh: Reuters) 

Ông Lưu Chấn Dân lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc mới là nạn nhân thực sự trong vấn đề biển Đông vì nước này "sở hữu" hàng chục đảo, rạn san hô ở Trường Sa nhưng lại bị ba nước khác trong khu vực chiếm đóng trái phép. Song, ông không cho biết cụ thể đó là những nước nào.

“Chính quyền Trung Quốc có quyền và khả năng giành lại những quần đảo, rạn san hô bị các nước láng giềng chiếm đóng trái phép” - Reuter dẫn lời ông Lưu Chấn Dân mạnh miệng nói. “Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi đã kiềm chế rất nhiều vì mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông”.

Ông Lưu nói rằng hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc không phải là hành động quân sự hóa mà là để phòng vệ, mục đích chính là vì dân sinh. Ông nói thêm, Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở vật chất như ngọn hải đăng để bảo vệ môi trường.

Ông Lưu nói rằng cần phát triển mục tiêu của Hội nghị Đông Á. “Thổi phồng vấn đề biển Đông là không có lợi cho hợp tác” - ông nói.

Theo Reuters, hoạt động cải tạo đất liền và bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở vật chất khác trái phép của Trung Quốc trên nhiều đảo ở Trường Sa, biển Đông là nỗi bất an trong khu vực và khiến Washington quan ngại rằng Trung Quốc đang bành trướng quân sự, tiếp cận sâu vào hàng hải ở Đông Nam Á. Vấn đề biển Đông có khả năng được nêu bật trong hai hội nghị thượng đỉnh trong tuần này, một là ở Manila, Philippines, hai là ở Kuala Lumpur, Malaysia. Hai hội nghị này đều có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Mặc dù trước đó, Phillippines tuyên bố vấn đề biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự chính thức tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nhưng dự kiến thảo luận bên lề hội nghị.

Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối những hoạt động cải tạo đảo trái phép ở biển Đông của phía Trung Quốc thời gian qua. 

Theo đó, mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động nói trên và đề nghị các bên liên quan nghiêm túc thực hiện DOC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm