Trung Quốc phóng phi thuyền Thần Châu 11 vào vũ trụ

Sáng 17-10, Trung Quốc phóng phi thuyền có người lái Thần Châu 11, đưa hai phi hành gia vào vũ trụ, hãng tin Reuters (Mỹ) cho biết.

Phi thuyền Thần Châu 11 được phóng đi bằng tên lửa đẩy Long March vào lúc 7 giờ 30 (giờ địa phương) sáng 17-10 tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc ở vùng sa mạc Gobi (tây bắc Trung Quốc).

Hai phi hành gia Trung Quốc trước khi lên phi thuyền Thần Châu 11 tiến vào vũ trụ sáng 17-10.

Hai phi hành gia Trung Quốc trước khi lên phi thuyền Thần Châu 11 tiến vào vũ trụ sáng 17-10. Ảnh: REUTERS

Lễ phóng có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng lục quân Phạm Trường Long. Hình ảnh vụ phóng được truyền hình trực tiếp.

Phi thuyền Thần Châu 11 đưa hai phi hành gia đến mô đun Thiên Cung 2 - một trạm thí nghiệm không gian, được phóng lên vũ trụ tháng trước.

Hai phi hành gia này sẽ có một tháng để làm thí nghiệm không gian, phục vụ mục tiêu xây dựng được một trạm không gian có người điều khiển thường trực trên vũ trụ vào năm 2022 của Trung Quốc. Đây là lần ở trên vũ trụ lâu nhất của các phi hành gia Trung Quốc.

Năm 2013, Trung Quốc cũng phóng một phi thuyền đưa ba phi hành gia lên vũ trụ 15 ngày, làm việc tại phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1.

Năm 2013, Trung Quốc cũng đưa tàu thám hiểm Thỏ Ngọc lên mặt trăng, tuy nhiên tàu này đã bị hư hỏng kỹ thuật nghiêm trọng sau đó.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một trạm không gian vào năm 2022.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một trạm không gian vào năm 2022. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc luôn khẳng định chương trình không gian của mình là vì mục đích hòa bình và luôn ưu tiên phát triển. Mong muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về lĩnh vực không gian.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ rất chú ý các tiến triển trong năng lực không gian của Trung Quốc, cho rằng ý định của Trung Quốc là muốn ngăn cản các nước khác sử dụng các tài sản không gian khi có khủng hoảng.

Reuters cho rằng Trung Quốc đã và đang phát triển chương trình không gian của mình cho mục đích quân sự, thương mại và khoa học, tuy nhiên vẫn chưa thể theo kịp các cường quốc về không gian như Mỹ và Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm