Trung Quốc: Sau cuộc duyệt binh là gì?

Cuộc duyệt binh của Trung Quốc (TQ) hôm 3-9 đã được quảng bá rầm rộ. Nhận định về cuộc duyệt binh, chuyên gia Barthélémy Courmont, Giám đốc Viện Nghiên cứu Các quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), lưu ý hai điều:

TQ muốn khoe quân đội hiện đại: Lâu nay quân đội TQ mang tiếng đi sau các cường quốc về kỹ thuật lạc hậu, vũ khí già cỗi và năng lực chiến đấu kém cỏi. Chiến dịch đánh Việt Nam năm 1979 là yếu tố thúc đẩy TQ hiện đại hóa quân đội.

TQ muốn khẳng định quân đội đã tinh gọn: Thông báo cắt giảm 300.000 quân không thể hiện ý chí giảm bớt căng thẳng mà chỉ chứng minh quân số đông đảo không còn là yếu tố tạo sức mạnh. Về chiến lược, TQ muốn đánh dấu sự kết thúc của một đội quân đông nhưng không trang bị đầy đủ.

Trong bối cảnh đó, báo Người quan sát mới (Pháp) đặt nghi vấn: “Đó là dấu hiệu hòa bình nhưng chỉ đơn giản là dấn thêm một bước trên con đường hiện đại hóa quân đội TQ?”.

 
Trung Quốc tổ chức duyệt binh vào lúc bong bóng bất động sản của Trung Quốc phình to. Biếm họa của TOM JANSSEN (báo The Netherlands của Hà Lan)

Báo phân tích cuộc duyệt binh hôm 3-9 của TQ có hai ý nghĩa:

Về đối nội, TQ tổ chức duyệt binh vào lúc kinh tế trì trệ, thị trường chứng khoán vừa trải qua khủng hoảng, thảm họa công nghiệp kinh hoàng mới xảy ra (vụ nổ kho hóa chất ở cảng Thiên Tân). Vào lúc dân tình lo lắng thì lòng yêu nước là liều thuốc cần thiết nhất.

Về đối ngoại, TQ muốn trấn an dù giảm quân số nhưng không có nghĩa TQ sẽ yếu thế.

Thật ra cho dù cắt giảm quân số, với 2,3 triệu quân thì TQ vẫn là quốc gia có quân đội đông nhất thế giới. Ngoài ra, TQ cũng là quốc gia chi tiêu quân sự chỉ thua Mỹ.

Theo công trình nghiên cứu được cơ quan phân tích quốc phòng IHS (Anh) công bố ngày 2-9, dự báo ngân sách quốc phòng của TQ sẽ tăng gấp đôi trong thập niên 2010-2020, tức từ 134 tỉ USD lên 260 tỉ USD.

Tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng chỉ chiếm 1,7% GDP nhưng nếu tính giá trị tuyệt đối thì ngân sách này là con số khổng lồ.

Với 190 tỉ USD ngân sách quốc phòng năm 2015, số tiền này đã chiếm 11% tổng ngân sách quốc phòng toàn thế giới, gấp bốn lần Pháp (52 tỉ USD) và chỉ thua Mỹ (587 tỉ USD).

Tạp chí Challenges (Pháp) ghi nhận chính quyền Bắc Kinh tuyên bố quân đội chỉ có mục tiêu duy nhất là bảo vệ an ninh trong nước. Thật ra TQ đã lao vào nhiều dự án đối phó với bên ngoài.

Ví dụ: TQ đang đóng tàu sân bay thứ hai, phát triển hai dự án máy bay tiêm kích Thành Đô J-20 và Thẩm Dương J-31. Số lượng tàu ngầm TQ cũng đã vượt qua tàu ngầm Mỹ (71 chiếc).

Chuyên gia Jean-François Dufour nhận định TQ có muốn trở thành siêu cường thế giới cũng không được vì có quá nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết. Bởi thế cuộc biểu dương sức mạnh của TQ chỉ nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn cung dầu dầu hỏa và lối ra của các cảng qua biển Đông.

Chuyên gia Paul Burton ghi nhận thật ra sức mạnh quân sự của TQ chỉ tương đối vì còn lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Nga.

Ngày 7-9, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu thông báo Indonesia sẽ củng cố hệ thống phòng thủ trên quần đảo Natuna để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai. Ông cho biết Indonesia sẽ xây cảng, mở rộng đường băng đủ chỗ cho bốn máy bay tiêm kích, điều động nhiều máy bay tiêm kích và bổ sung nhiều loại vũ khí. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không phải trong tình trạng chiến tranh nhưng biển Hoa Nam rất gần với chúng tôi. Chúng tôi phải chuẩn bị”.

7% mỗi năm là mức tăng bình quân ngân sách quốc phòng TQ trong thập niên 2010-2020. Tổng chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn này lên đến gần 2.000 tỉ USD.

 ________________________________

Nếu TQ chân thành duy trì hòa bình thì nên dừng hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa trong vùng biển tranh chấp.

(Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines
tuyên bố ngày 6-9)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm