Trung Quốc và Arabia Saudi bắt tay mở nhà máy lọc dầu

Thành quả lần này một lần nữa cho thấy mong muốn gây ảnh hưởng sâu rộng của Bắc Kinh tại khu vực Trung Đông và nhu cầu của Riyardh trong việc đa dạng hóa ngành kinh tế.

Nhà máy lọc dầu quy mô lớn

Sự kiện này diễn ra tại thủ đô Riyardh của Arabia Saudi vào ngày thứ hai trong chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới khu vực này. Sau đó, ông Tập tiếp tục tới Cairo và cũng sẽ tới thăm Iran, quốc gia đối địch với Arabia Saudi.
Nhà máy lọc dầu YASREF ở TP công nghiệp Yanbu bên bờ Biển Đỏ có 62,5% cổ phần thuộc về Aramco, một công ty dầu mỏ lớn ở Saudi. Số cổ phần còn lại do công ty dầu khí và hóa chất của Trung Quốc - Petroleum & Chemical Corp (Sinopec) nắm giữ. 
Nhà máy này đã đưa ra thông báo YASREF đại diện cho những nỗ lực của hai công ty hướng tới sự tăng trưởng trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Những bảng quảng cáo lớn trên trục đường cao tốc liên tục chiếu sáng hình ảnh ông Tập Cận Bình và quốc vương Salman vẫy tay chào nhau trên phông nền chính là nhà máy lọc dầu.
Arabia Saudi là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới và công ty nhà nước Aramco cho biết việc tiến bước vào thị trường hóa dầu là mục tiêu của vương quốc Arabia trong quá trình đa dạng hóa kinh tế.
Chính sách này nhanh chóng được đưa ra trong bối cảnh ảm đảm của sự sụt giảm mạnh mẽ doanh thu có được từ ngành buôn bán dầu thô của đất nước.

YASREF là một trong năm nhà máy liên doanh về lọc dầu của vương quốc Arabia Saudi. Bốn nhà máy kia đều ở nước ngoài, bao gồm một nhà máy ở Fujian, Trung Quốc. 

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và quốc vương Salman. (Ảnh: todayonline.com) 

Một năm trước, Nhà máy YASREF với sản lượng tinh lọc 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày đã xuất đi đơn hàng dầu diesel đầu tiên.

Công ty Aramco và Sinopec cũng đã ký kết một thỏa thuận khung về việc hợp tác, điều này cho thấy sự tự tin “đối với các cơ hội mà chúng tôi có thể cùng nhau gây dựng trong tương lai” - Chủ tịch Công ty Aramco - ông Amin Nasser cho biết.
Phát triển thương mại
Thế mạnh của Sinopec trong kỹ thuật tinh lọc hóa dầu sẽ hỗ trợ Arabia Saudi trong quá trình đa dạng hóa ngành dầu khí - ông Wang Yupu, Chủ tịch Công ty Sinopec, phát biểu.
Buổi lễ ký kết giữa Trung Quốc và Arabia Saudi diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu KAPSARC ở thủ đô Riyardh. Bộ trưởng Bộ dầu mỏ kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của KAPSARC, ông Ali Al-Naimi, nói rằng việc ký kết này sẽ “đóng góp vào công cuộc đa dạng hóa cũng như mở rộng các ngành kinh tế của Arabia Saudi”.
Tháng 12-2015, quốc vương Salman từng cho hay ông đã yêu cầu cải cách nền kinh tế để đa dạng các nguồn thu nhập cũng như làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Arabia Saudi vào dầu mỏ. Giá dầu thô trên thế giới đã lao dốc từ mức 100 USD/thùng (năm 2014) xuống còn 28 USD/thùng (giá dầu ngày 20-1-2016).
Đối mặt với sự sụt giảm ngân sách chưa từng có này, vương quốc Arabia Saudi đã chấm dứt chế độ phúc lợi xã hội rộng rãi và tăng giá nhiên liệu, điện cùng nhiều thứ khác vào đầu năm 2016. 
Mức chi tiêu của chính phủ Arabia Saudi cũng bị cắt giảm. Dư luận còn đồn đại rằng thuế giá trị gia tăng cũng như các tài sản thuộc nhà nước (bao gồm Công ty Aramco) có thể sẽ bị tư hữu hóa.
Mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia vùng Vịnh và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện đang tăng trưởng khá nhanh.
Theo tin từ Tân Hoa xã, chỉ tính riêng mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Arabia Saudi thì giá trị mang lại lên tới 69,1 tỉ USD.

Mặc dù Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu thô của khu vực Trung Đông nhưng chỉ gần đây Trung Quốc mới bắt đầu chú trọng việc nâng cao vị thế của mình ở khu vực này, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trước thời điểm ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công tác tại Trung Đông, một bài phân tích của Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ thực hiện điều gì đó nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng giữa Arabia Saudi, giáo phái Sunni và giáo phái Shiite ở Iran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm