Trung-Mỹ sẽ đối đầu ở Đối thoại Shangri-La

Tân Hoa xã ngày 2-6 đưa tin Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ hội đàm về vấn đề biển Đông trong Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ tám tại Bắc Kinh đầu tuần tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho biết mục đích thảo luận nhằm “củng cố hiểu biết lẫn nhau và tránh nhầm lẫn trong phán đoán chiến lược”.

Trong khi đó, Reuters ghi nhận Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần này sẽ là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm ủng hộ trước khi Tòa Trọng tài thường trực đưa ra phán quyết lịch sử về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Các chuyên gia an ninh chờ đợi Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục các nước Đông Nam Á và các nước lớn như Nhật, Ấn Độ bày tỏ thái độ công khai ủng hộ phán quyết.

Trung Quốc là nước bác bỏ thẩm quyền tài phán của Tòa Trọng tài thường trực cũng sẽ ra sức tác động để các nước không công khai lên tiếng ủng hộ phán quyết trọng tài.

Tổng thống Aquino dự lễ kỷ niệm 118 năm hải quân Philippines trên tàu đổ bộ BRP Tarlac hôm 1-6. Ảnh: HẢI QUÂN PHILIPPINES

Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á Greg Poling nhận xét nếu một liên minh rộng lớn lên tiếng ủng hộ phán quyết thì giá trị của sự việc này là gây thiệt hại về lâu dài đến uy tín Trung Quốc và gây sức ép cho Trung Quốc. Bằng ngược lại, Trung Quốc sẽ tránh được nhiều lời chỉ trích.

Trong các nước tham dự, đáng chú ý nhất là các nước Đông Nam Á. Các nước này đang tìm cách cân bằng giữa lợi ích về an ninh và quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Chuyên gia Tim Huxley ghi nhận bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ được chú ý vì “chính sách của Thái Lan sẽ phản ánh tình hình khu vực”.

Báo Stars and Stripes ghi nhận chủ đề Trung Quốc dự kiến áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La, đã từng phát biểu hồi năm ngoái: “Chúng tôi sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hay không còn phụ thuộc tình hình an ninh trên không và trên biển có trở nên mối đe dọa hay không”.

Theo báo Stars and Stripes, vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông có thể bao trùm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Đài Loan và vùng biển quốc tế, nơi Mỹ đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải.

Hồi tháng 5, Ủy ban Xem xét an ninh và kinh tế Mỹ-Trung (trực thuộc Quốc hội Mỹ) đã công bố báo cáo đánh giá: “Một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông của Trung Quốc có thể dẫn tới chạm trán căng thẳng giữa các máy bay Mỹ và Trung Quốc trên không, nhất là khi Trung Quốc đã thể hiện ý chí thách thức máy bay quân sự Mỹ trong các vùng biển tranh chấp”.

Báo Inquirer (Philippines) đưa tin chuẩn đô đốc Caesar Taccad, tư lệnh hải quân Philippines, đã kêu gọi tăng cường bảo vệ quốc gia trong phát biểu không nêu cụ thể Trung Quốc. Tại lễ kỷ niệm 118 năm hải quân Philippines hôm 1-6 trên tàu đổ bộ BRP Tarlac, ông nhấn mạnh: “Hiện nay kẻ thù đang đến ngưỡng cửa chúng ta. Chúng ta không còn phải đánh giá mối đe dọa đối với lợi ích hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ là quá đáng nữa”. Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino III đã đến dự lễ. Chuẩn đô đốc Caesar Taccad đã cảm ơn ông Aquino về bước phát triển hiện đại hóa hải quân chưa từng thấy trong sáu năm qua.

______________________________________

Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với những người đồng cấp Trung Quốc rằng vùng nhận dạng phòng không sẽ gây bất ổn. Chúng tôi mong muốn mọi tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán chứ không phải dùng vũ lực hay dọa nạt.

(Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work
tuyên bố hồi tháng 3 trước tin đồn Trung Quốc sẽ áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm