Giám đốc FBI quyền lực liệu có ngáng đường bà Clinton?

Trong một quyết định bất ngờ mà tự đặt mình vào tâm điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hôm 28-10 đã trình lên Quốc hội một lá thư thông báo sẽ tái điều tra vụ bê bối sử dụng máy chủ cá nhân cho việc công của bà Clinton.

James Comey là ai?

FBI đã quyết định mở vụ điều tra trên sau khi phát hiện một số thư điện tử qua lại giữa trợ lý lâu năm của bà Clinton - Huma Abedin với bà Clinton trong lúc khám xét máy tính xách tay của cựu nghị sĩ Anthony Weiner, người chồng ly thân của bà Abedin. Bà Clinton và các thành viên đảng Dân chủ sau đó đã chỉ trích ông Comey. Một số quan chức cho rằng hành động của ông Comey có thể gây bất lợi cho bà Clinton trong khi ông Trump của đảng Cộng hòa sẽ tận dụng cơ hội này để tiến bước.

Giám đốc FBI quyền lực liệu có ngáng đường bà Clinton? ảnh 1
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Ảnh: ABC NEWS

Tháng 7 năm nay, khi quyết định dừng cuộc điều tra vụ bà Clinton sử dụng email cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng Mỹ, ông Comey đã hứng một tràng chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa. Thời điểm đó, Comey tuyên bố rằng ông từng là một cử tri của đảng Cộng hòa “trong phần lớn quãng đời trưởng thành” nhưng giờ ông đã không còn là thành viên của đảng này.

James Comey, với vóc dáng đĩnh đạc cao gần 2,1 m, từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là mẫu người “cực kỳ độc lập và hết mực liêm chính” khi ông được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc FBI hồi năm 2013. Tổng thống Obama đánh giá cao những đóng góp của Comey trong vụ triệt phá gia đình tội phạm mafia Gambino khi ông còn là một công tố viên trẻ tại quận Manhattan, bang New York.

Một trong những ấn tượng khó quên nhất của ông Comey là khi ông giữ chức thứ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush năm 2004. Vào một lần khi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft phải nhập viện vì ốm, cố vấn Nhà Trắng Alberto Gonzales và Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card của Tổng thống Bush đã ép ông Ashcroft ký giấy ủy quyền một chương trình gây tranh cãi ngay trên giường bệnh, theo đó cho phép các đặc vụ liên bang được nghe lén các cuộc nói chuyện qua điện thoại mà không cần giấy phép.

Ông Comey, khi đó với tư cách quyền Bộ trưởng Tư pháp, ngay lập tức đã đến bệnh viện để can thiệp vụ việc. Cuối cùng, các thay đổi đã được thực hiện đối với chương trình. Ông Comey sau đó đã nhận được nhiều lời khen ngợi cho hành động của mình. Tổng thống Obama mô tả ông Comey “thà mất việc còn hơn tiếp tay cho những điều mà ông cho là sai trái”.

Duyên nợ với nhà Clinton

Về cuộc điều tra nhằm vào bê bối email của bà Clinton, đây không phải là lần đầu tiên ông Comey gây bất hòa với một trong những thành viên của gia đình Clinton. Năm 2002, ông Comey, lúc đó là một luật sư và công tố viên liên bang, đã được giao nhiệm vụ điều tra vụ ân xá gây tranh cãi của Tổng thống Bill Clinton, chồng bà Hillary Clinton, đối với doanh nhân Mỹ Marc Rich. Ông Rich, một nhà giao dịch hàng hóa về sau bỏ trốn khỏi Mỹ, bị cáo buộc trốn thuế thu nhập hơn 48 triệu USD và mua dầu phi pháp từ Iran trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979.

Giám đốc FBI quyền lực liệu có ngáng đường bà Clinton? ảnh 2
Sự ủng hộ của người dân Mỹ dành cho bà Clinton ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng sau khi FBI tái điều tra vụ bê bối email.

Cuộc điều tra được ông Comey tiến hành tập trung vào các cáo buộc về mối quan hệ giữa đảng Dân chủ và ông Rich. Ông Comey sau đó đã quyết định không truy tố song cuộc điều tra đã khiến chính ông Clinton thừa nhận quyết định ân xá cho ông Rich là một “quyết định chính trị khủng khiếp”.

“Nó không đáng để gây tổn hại cho danh tiếng của tôi” - ông Clinton nói.

“Thọc gậy bánh xe” bà Clinton?

Dù cuộc điều tra chưa đi về đâu và kết quả điều tra sẽ bất lợi cho bà Clinton hay không, những tổn hại đến từ thông tin này ít nhất đã bắt đầu xuất hiện. Trong cuộc thăm dò ngày 30-10 của Washington Post ABC News, bà Clinton dẫn trước ông Trump chỉ một điểm với tỉ lệ 46%-45%, giảm đáng kể so với khoảng cách 12 điểm nghiêng về bà Clinton trong cuộc khảo sát từ ngày 24 đến 27-10, tức một ngày trước khi FBI công bố cuộc điều tra trên. Giới chuyên gia cho rằng người dân Mỹ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý khi mà FBI công bố giữa lúc cuộc đua vào Nhà Trắng vào giai đoạn nước rút.

Về việc FBI mở cuộc điều tra trên, Tổng thống Obama không cho rằng Giám đốc Comey đang cố ý gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cũng như bí mật lập kế hoạch để giúp một ứng viên hay một đảng chính trị hưởng lợi.

Chuyên gia chính trị Frank Luntz, nhà thăm dò dư luận hàng đầu của đảng Cộng hòa, nhận định khi sự chú ý của công luận dồn vào ông Trump thì bà Clinton là người thắng thế và giờ tình thế đó đã dần đi ngược lại. Ông dự đoán chiến thắng năm nay sẽ thuộc về người có khả năng đẩy sự chú ý của công luận về phía đối phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm