Ông Trump sẽ ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’?

Chiến thắng lịch sử trước bà Hillary Clinton đưa ông Donald Trump chính thức đặt chân vào lịch sử nước Mỹ trong vai trò “ông chủ Nhà Trắng”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật về dự báo chính sách của ông Donald Trump, một số học giả Mỹ bày tỏ sự lo ngại về khả năng bất ổn nếu ông Trump vẫn theo đuổi tất cả tuyên bố chính sách như khi ông ấy tranh cử.

Chính sách mơ hồ, giải pháp chưa khả thi

. Phóng viên: Ông bà nghĩ rằng ông Trump sẽ làm gì để thực hiện khẩu hiệu tranh cử “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”?

+ GS Heather Stur (ĐH Nam Mississippi): Ông Trump chưa bao giờ nói rõ ràng ông ấy muốn gì khi nói “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ngoại trừ những điều mơ hồ như đảm bảo việc làm, bảo vệ nước Mỹ mà không có bất kỳ biện pháp nào. Cách ông Trump thể hiện chủ yếu bày tỏ sự không hài lòng với các chính sách của ông Obama trong suốt tám năm tại Nhà Trắng. Nếu ông Trump không có các kế hoạch cụ thể và khả dĩ để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, ông ấy sẽ không làm được bất kỳ điều gì để có thể tạo ra những chuyển biến thực tế cho nước Mỹ.

+ PGS David G. Embrick (ĐH Connecticut): Tôi chắc rằng chỉ có những cử tri ủng hộ ông Trump mới bị thuyết phục rằng nước Mỹ “không còn vĩ đại” và thế nên ông ấy sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế sẽ thấy rằng nước Mỹ đang vào thời điểm có chỉ số thất nghiệp thấp nhất trong suốt thời gian qua; thâm hụt quốc gia đã được cắt giảm và người dân đang chứng kiến nền kinh tế phát triển hơn. Dù vậy ông Trump đã thuyết phục cử tri bỏ phiếu rằng nước Mỹ đang gặp nhiều vấn đề và ông ấy là giải pháp. Tất nhiên sự thật là ở Mỹ vẫn tồn tại nhiều vấn nạn kinh tế xuất phát từ lòng tham của các tập đoàn lớn và những thành phần câu kết nhau trục lợi. Nhưng nếu đề cập đến vấn đề này thì tôi cho rằng ông Trump cũng là một phần nguyên nhân. Tôi nghi ngờ lời hứa của ông ấy rằng sẽ làm mọi thứ vì người nghèo, người lao động và tầng lớp trung lưu. Tôi đoán là người nghèo rồi sẽ còn nghèo hơn và người giàu lại càng giàu hơn.

Dưới nhiệm kỳ của ông Trump, rất có thể người nghèo rồi sẽ còn nghèo hơn và người giàu lại càng giàu hơn.

Nước Mỹ có thể bị thụt lùi vài thập niên

. Ông bà kỳ vọng như thế nào về những chính sách mà ông Trump sẽ thực hiện với Mỹ thời gian tới?

 + GS Heather Stur: Dù tuyên bố táo bạo rằng sẽ xây dựng bức tường biên giới Mỹ và Mexico, trục xuất người nhập cư Hồi giáo, rút khỏi các hiệp định thương mại nhưng có vẻ ông Trump chưa thực sự thấu đáo giải pháp để hoàn thành những kế hoạch này. Nên nhớ rằng tổng thống không thể “một tay che trời” mà phải được sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Dù Quốc hội hiện nay đa số nghiêng về phe Cộng hòa nhưng tôi tin rằng nhiều đại biểu tỉnh táo sẽ ra sức ngăn cản những ý tưởng “lập dị” của ông Trump. Người Mỹ và Mexico phải qua biên giới hai nước mỗi ngày để làm việc. Hàng hóa và các dịch vụ trao đổi qua lại thường xuyên. Vậy nên xây bức tường biên giới sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng với kinh tế Mỹ.

Với vấn đề nhập cư và các hiệp định thương mại, đông đảo người Mỹ hy vọng rằng những thành viên lý trí trong Quốc hội sẽ ngăn chặn chính sách nhập cư phân biệt đối xử, đồng thời nhận thức các hậu quả kinh tế to lớn nếu Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại như Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cho rằng hệ quả của thiếu việc làm xuất phát từ hiệp định thương mại nhưng ông ấy chưa lý giải được làm thế nào có thể tạo ra việc làm thu nhập ổn định cho người dân. Ông ấy chống lại việc nâng lương tối thiểu, vậy thì tại sao ông ấy lại nghĩ đến việc tìm kiếm việc làm cho người thất nghiệp. Chính sách thuế của ông Trump tương đối hợp với kế hoạch của đảng Cộng hòa, gồm việc giảm thuế và kéo theo là cắt giảm chi tiêu giáo dục, người nghèo, trẻ em và người thất nghiệp. Việc ông Trump bổ nhiệm thẩm phán mới nếu theo hướng bảo thủ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn, ví dụ khả năng sẽ lật ngược phán quyết liên quan quyền phá thai, quyền sinh con của phụ nữ Mỹ, đồng thời có thể bác bỏ luật hôn nhân đồng giới, điều mà cộng đồng LGBT (đồng giới, song giới, chuyển giới) đang rất lo lắng về chiến thắng của ông Trump.

+ PGS David G. Embrick: Tôi nghĩ thời ông Trump sẽ có một số thứ thay đổi, có thể là theo hướng xấu và có những vấn đề vẫn duy trì như cũ. Liên quan đến kế hoạch xây dựng bức tường Mexico, tôi nghĩ Trump sẽ tiếp tục thực hiện chính sách trục xuất người nhập cư. Về vấn đề thất nghiệp, vấn đề không phải là có thêm việc làm hay không mà là liệu ông Trump có thể tạo ra công ăn việc làm mới với thu nhập tốt hơn cho nền kinh tế Mỹ hay không. Tôi đoán ông ấy sẽ không thể làm được. Các vấn đề chính sách còn lại tôi nghĩ sẽ gặp nguy hiểm, ví dụ giảm thuế cho người giàu; coi thường người nghèo, công nhân và trung lưu; giảm chi phí đầu tư đại học; bác bỏ các hiệp định thương mại; dung túng bạo lực với phụ nữ và thành phần thiểu số. Với Tòa án Tối cao Mỹ, ông Trump sẽ đề cử một thẩm phán bảo thủ hơn. Nước Mỹ dưới thời của ông Trump có thể sẽ phải thụt lùi vài thập niên về các chính sách phúc lợi tiến bộ cho người dân.

Ông Trump khó có thể “một tay che bầu trời”

. Dù có những tranh cãi về tư tưởng, kinh nghiệm và năng lực của ông Trump nhưng hệ thống Mỹ sẽ có những cơ chế nào để ngăn những cuộc khủng hoảng được dự báo có thể xảy ra?

+ GS Heather Stur: Quốc hội Mỹ sẽ kiểm tra, giám sát quyền lực của tổng thống ngay cả khi phe Cộng hòa chiếm đa số. Tôi hy vọng sẽ có đủ đại biểu Cộng hòa sẵn sàng liên kết với đại biểu Dân chủ để giữ vững lợi ích của Mỹ. Sẽ rất thú vị để chờ xem điều gì diễn ra ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào năm 2018: Đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số hoặc Quốc hội sẽ do đảng Dân chủ kiểm soát. Nếu là đảng Dân chủ, khả năng tác động đến ông Trump ở nửa nhiệm kỳ sau tăng lên.

+ PGS David G. Embrick: Mỹ có những cơ chế ngăn chặn tổng thống có những chính sách không hiệu quả, nguy hiểm, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia. Tôi ví dụ, ông Trump phải giải trình trước Quốc hội trong trường hợp phát động chiến tranh. Dù vậy, ông Trump đang có sự ủng hộ từ lưỡng viện trong Quốc hội. Bất kỳ chính sách nào của Mỹ không chỉ xuất phát từ ông Trump mà còn là từ tập thể với phe Cộng hòa chiếm đa số - cả hai giữ quyền hành pháp và lập pháp của Mỹ. Nước Mỹ đang đứng trước giai đoạn thiếu ổn định trong thời gian tới. Tiếc là tôi không thể tự hào xưng danh người Mỹ trong thời buổi bây giờ.

Ngầm phát thông điệp Mỹ hoài nghi cả thế giới

. Bà đánh giá uy tín của Mỹ thế nào khi ông Trump đắc cử?

+ GS Heather Stur: Tôi lo lắng uy tín của Mỹ trên trường quốc tế khi ông Trump dọa thay đổi NATO - đồng minh suốt gần 70 năm của Mỹ; sử dụng vũ khí hạt nhân và xây dựng quan hệ đồng minh với các nước như Nga. Việc ông Trump thắng cử như gửi đi thông điệp nước Mỹ đang hoài nghi thế giới, thúc đẩy phân biệt chủng tộc và người Mỹ sẵn sàng bầu một người nổi tiếng không có kinh nghiệm chính trường để dẫn dắt đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Với các vấn đề nội bộ Mỹ, chiến thắng của ông Trump cho thấy người Mỹ đang chia rẽ trầm trọng và đang vật lộn để tìm kiếm điểm chung. Một phần cũng xuất phát từ việc thúc đẩy sự nghi ngờ, phân biệt giới tính, chủng tộc và tâm lý bài ngoại của ông Trump.

Giải mã chiến thắng của ông Trump

Một là khi ông Trump nhập cuộc chơi chính trị ở đảng Cộng hòa, rất nhiều người Mỹ cho rằng đó là một “trò đùa”. Họ nghĩ không có cách gì ông Trump có thể chiến thắng vì thiếu kinh nghiệm quản trị đất nước lẫn thâm niên quân sự. Họ nghĩ ông ấy hợp với chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người tập sự). Nếu nhìn lại thành công của ông Trump trong tranh cử sơ bộ ở đảng Cộng hòa thì sẽ không ngạc nhiên với việc ông ấy trở thành tổng thống. Hai là, nếu nhìn vào những thông tin gần đây có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ông Trump, như việc ông ấy nhận xét về phụ nữ; chế giễu phóng viên khuyết tật; phân biệt chủng tộc; kỳ thị người Hồi giáo, người Mexico hay người nhập cư... rất nhiều người Mỹ tin rằng chính người phe Cộng hòa sẽ chống lại ông Trump. Cuối cùng, dù các phương tiện dự báo cho rằng bà Clinton sẽ thắng nhưng họ đã không thể ghi nhận rõ ràng về thái độ của cử tri Mỹ.

GS HEATHER STUR (ĐH Nam Mississippi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm