Tương lai đầy rủi ro trong quan hệ Nga-Mỹ

Vụ không kích Syria đánh dấu bước ngoặt Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn vào Syria. Thế giới có lẽ đang tiến tới thời khắc nhiều rủi ro nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tờ The Guardian nhận định.

Căng thẳng Mỹ-Nga leo thang

Sau vụ việc Mỹ tấn công Syria, đồng minh chính của Syria là Nga đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Ngay lập tức Nga cũng đã có động thái trả đũa là đình chỉ kênh trao đổi thông tin giữa quân đội hai nước, thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự cố va chạm máy bay trên bầu trời Syria khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích hồi tháng 9-2015.

Ngoại trưởng của Mỹ và Nga ngày 8-4 cũng đã có cuộc điện đàm đầu tiên với nhau sau vụ không kích của Mỹ vào Syria. Trong cuộc điện đàm này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tố Mỹ chỉ “đang chơi trò chủ nghĩa khủng bố” tại Syria và nước này đang đe dọa đến an ninh khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, theo báo The Guardian, lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp tới sẽ phụ thuộc vào việc liệu Moscow có dính líu tới việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hay không. Nếu Nga thật sự có liên quan tới vụ việc này, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn vì phải che đậy sự liên quan. Trong trường hợp ngược lại, điện Kremlin sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Mỹ vì thật ra chỉ bị “vạ lây” và tập trung gây áp lực buộc chính phủ Syria chấm dứt sử dụng vũ khí hóa học.

Một kịch bản căng thẳng khác là Nga có thể sẽ bày tỏ thái độ thách thức khiến mâu thuẫn leo thang. Các chuyên gia nhận định nếu căng thẳng Washington-Moscow leo thang, chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria có thể bị đình trệ, quân đội Mỹ ở Iraq và Syria có thể trở thành mục tiêu bị đánh trả. Đồng thời, sự tham gia của các thế lực địa phương có thể khiến tình hình ở Syria vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền mới của ông Trump.

Có lẽ hai bên Nga-Mỹ sẽ rõ hơn về lập trường của nhau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson đến thăm Moscow vào ngày 11-4 tới. Các nhà phê bình cho rằng đây sẽ là một cuộc gặp mặt căng thẳng, là một thử thách lớn cho chính quyền ông Trump.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Moscow muốn nhận được “một lời giải thích” trong chuyến công du sắp tới của ông Tillerson, trong khi đó cả hai vị lãnh đạo cho biết sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề Syria trong cuộc hội đàm trực tiếp sắp tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi việc Mỹ đánh bom sân bay Shayrat ở Syria là hành động “gây hấn”. Ảnh: AP

Thách thức pháp lý

Sau quyết định dội tên lửa vào căn cứ không quân của chính phủ Syria, ông Trump được cho là sẽ phải đối mặt với một thách thức pháp lý từ phía Quốc hội Mỹ, bởi vì quyết định này vốn chưa được thông qua quốc hội.

Ông Trump ngày 9-4 đã gửi một bức thư tới quốc hội để thông báo về cuộc tấn công ở Syria. Ông giải thích rằng cuộc tấn công là vì “an ninh quốc gia và các lợi ích chính sách đối ngoại của Washington” và nhằm ngăn chặn một “thảm kịch nhân đạo”. Tuy các nghị sĩ Mỹ đa số đều ủng hộ quyết định của Lầu Năm Góc nhưng cũng thừa nhận rằng tổng thống cần tham vấn với quốc hội về quyết định tăng cường chiến dịch quân sự tại Syria.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với thách thức pháp lý từ các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đại sứ Mỹ Nikky Haley vẫn tiếp tục khẳng định việc Mỹ dội tên lửa vào Syria là nhằm “ngăn chặn việc phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học”, tương tự phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Tuy nhiên, những lý do này lại đang mâu thuẫn với tuyên bố từ phía Lầu Năm Góc khi cho rằng mục đích tấn công không phải là phá hủy kho vũ khí hóa học. Thực tế cho thấy Mỹ đã phải tránh những vị trí có thể tàng trữ vũ khí hóa học vì lo ngại có thể gây thương vong cho dân thường.

Cuộc tấn công Syria cũng đã đặt ra nhiều nghi ngại về tính cách thất thường và thiếu nhất quán của ông Trump, theo tờ The Washington Post. Hồi năm 2013, khi chính quyền cựu Tổng thống Obama tuyên bố sẽ cân nhắc biện pháp quân sự để đối phó với Syria thì ông Trump đã lên mạng xã hội “góp ý”, nói rằng tấn công Syria sẽ chỉ đem lại tác hại và ông Obama cần thông qua quốc hội trước khi hành động.

Tuy nhiên, bằng quyết định tối 6-4, ông Trump đã đi ngược lại tất cả phát ngôn trước đó của mình. Giới phê bình đã đặt nghi vấn việc tổng thống một siêu cường thế giới mà chỉ trong một đêm đã thay đổi hoàn toàn như thế thì liệu còn có thể sẽ đưa ra những quyết định bất ngờ nào nữa trong tương lai?

Mỹ lại đổi giọng

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ngày 9-4 trong một cuộc phỏng vấn với CNN nói rằng việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ: “Chúng tôi không thấy một Syria hòa bình khi ông Assad còn tại vị”.

Đại diện của Washington cũng khẳng định Mỹ có ba ưu tiên hàng đầu ở Syria vào lúc này là đánh bại IS, đẩy lùi ảnh hưởng của Iran khỏi Syria và lật đổ chính phủ đương nhiệm Syria. Những tuyên bố này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó của chính bà Haley hôm 30-3 nói rằng việc lật đổ ông Assad không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Có thể thấy sau vụ tấn công hóa học chưa rõ thủ phạm ở Syria, chính quyền của Tổng thống Trump đã thay đổi quan điểm 180 độ về vấn đề này chỉ trong vòng chưa tới 68 giờ.

_______________________________

“Chính hành động này của Mỹ đã gây ra mối đe dọa cho an ninh khu vực và toàn cầu” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm