Tướng Pháp nhận định tình hình biển Đông

Các sự cố quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục diễn ra trên biển Đông. Liệu chính sách quân sự hóa của Bắc Kinh có thể dẫn đến xung đột vũ trang Trung-Mỹ hay không?

Trả lời câu hỏi này của trang web Atlantico, chuẩn tướng Pháp Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), nhận định hiện nay tối thiểu có thể nhận thấy Trung Quốc hay Mỹ đều không có ý định đối đầu công khai. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục trò mèo vờn chuột, khả năng va chạm ngẫu nhiên vẫn có thể xảy ra.

Tàu khu trục trang bị tên lửa USS Dewey đi qua biển Đông cùng tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật hôm 27-5. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Nếu va chạm nghiêm trọng, Mỹ sẽ phản ứng mạnh

Tướng Jean-Vincent Brisset ghi nhận Mỹ vẫn luôn tuyên bố tự do hàng hải và hàng không trong không phận và hải phận quốc tế là điều không thể xâm phạm, bởi thế Mỹ luôn yêu cầu tuân thủ nguyên tắc ấy.

Chiếu theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, yêu sách “đường chín đoạn” trên biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp. Vì vậy Mỹ xem khu vực này là khu vực tự do đi lại và thường xuyên điều động tàu chiến và máy bay đến tuần tra. Cũng vì lý do đó mà hồi tháng 6-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (nay là ngoại trưởng Pháp) đã phát biểu kêu gọi các nước châu Âu tổ chức tuần tra hàng hải ở biển Đông.

Tướng Jean-Vincent Brisset nhận xét các vụ ngăn chặn máy bay Mỹ không phải mới xảy ra trên biển Đông. Tháng 4-2001, do một phi công Trung Quốc thiếu kinh nghiệm đã dẫn đến sự cố ngoại giao nghiêm trọng (máy bay tiêm kích Trung Quốc va chạm máy bay do thám Mỹ trên biển Đông).

Các vụ như thế ngày càng gia tăng vào lúc Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo và quân đội Trung Quốc đã kiểm soát được việc tiếp tế trên không nên máy bay có thể mở rộng tầm hoạt động về hướng Nam. Các vụ quấy rối bằng tàu cũng thường xảy ra. Ngoài tàu chiến, Trung Quốc còn phát triển lực lượng cảnh sát biển và các ngư dân hoạt động như dân quân biển.

Trung Quốc và Mỹ đều không muốn xung đột nhưng va chạm vẫn có thể xảy ra. Trong thời chiến tranh lạnh vẫn xảy ra nhiều vụ chặn nhau trên biển Bắc châu Âu giữa lực lượng của NATO và khối Warsaw, song do hai bên đều có tính chuyên nghiệp cao nên không có sự cố xảy ra. Trong khi đó, trình độ chuyên nghiệp của các phi công Trung Quốc vẫn còn thấp. Nếu xảy ra va chạm nghiêm trọng hơn vụ năm 2001 dẫn đến các binh sĩ Mỹ thiệt mạng chừng 10-20 người, ắt hẵn Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ.

Yêu sách phi lý của Bắc Kinh

Bắc Kinh yêu sách gần hết biển Đông trong khi Tòa Trọng tài thường trực đã từng phản bác, vậy theo quan điểm địa lý liệu yêu sách của Bắc Kinh có hợp lý hay không?

Trả lời câu hỏi này, tướng Jean-Vincent Brisset nhận xét trên biển Đông, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên xây dựng các cứ điểm quân sự, cảng, cơ sở tên lửa và đường băng trên các đá mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Phán quyết của Tòa Trọng tài vào tháng 7-2016 đã nhận định các công trình xây dựng này đã vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn. Công ước đã quy định rất rõ phạm vi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, cách xác định thế nào là đảo và thế nào không phải là đảo. Dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục yêu sách đối với phần rất lớn ở biển Đông.

Lợi ích về các nguồn tài nguyên địa chất (dầu mỏ, khí đốt, quặng đa kim…) còn phải chờ chứng minh nhưng ngược lại, lợi ích về đánh cá rất lớn. Song đối với Bắc Kinh, biển Đông là yếu tố thuộc chiến lược tổng quát hơn.

40% lượng hàng hóa thế giới vận chuyển qua đường hàng hải quá cảnh qua biển Đông, cửa ngõ của con đường tơ lụa trên biển. Biển Đông cũng là bộ phận nền tảng ở phía Nam để xây dựng “chuỗi đảo thứ nhất”, mục tiêu trung hạn trong chiến lược hàng hải của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, về địa lý, các đá bị Bắc Kinh chiếm đóng không thể xác lập chủ quyền được quốc tế công nhận bởi không thuộc thềm lục địa của Trung Quốc và gần với các nước khác hơn, như với Philippines chẳng hạn. Công trình xây dựng các cứ điểm quân sự bằng cách mở rộng các đá còn gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong vấn đề này còn phải tính đến sự kiện tháng 10 tới Trung Quốc tổ chức đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19. Công luận Trung Quốc vẫn đánh giá cao việc củng cố chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa và điều này có lợi cho ông Tập Cận Bình.

Hãng tin AP đưa tin ngày 27-7, tại hội thảo về an ninh ở Úc, cử tọa hỏi giả định Tổng thống Donald Trump yêu cầu tấn công Trung Quốc bằng bom hạt nhân thì sao. Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, trả lời ông sẽ tuân lệnh tổng thống.

Ông giải thích tổng thống là tổng tư lệnh quân đội và các cấp trong quân đội đều phải tuân thủ mệnh lện cấp trên, đặc biệt trong vai trò chống các mối đe dọa từ bên ngoài. Ông nhấn mạnh: “Đó là hạt nhân trong nền dân chủ Mỹ”. Để giảm nhẹ phản ứng gây sốc từ tuyên bố trên, sau hội thảo, người phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charlie Brown giải thích đây là “tình huống giả định kinh khủng”.

Hôm trước đó, trả lời báo Washington Free Beacon, Giám đốc CIA Mike Pompeo nhận xét Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ so với Nga và Iran bởi Trung Quốc có kinh tế vững chắc và dân số đông. Ngày 27-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phản ứng: “Chúng tôi chú ý đến tuyên bố này. Nếu theo lập luận đó, ai có kinh tế mạnh hơn và năng lực quân sự lớn hơn đều là mối đe dọa lớn nhất đối với toàn thế giới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm