Tướng Trung Quốc tiết lộ gì với báo Nhật?

Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 31-3 đã đăng bài viết với tiêu đề “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường sự hiện diện quan trọng ở biển Đông”. Bài viết nói về cuộc phỏng vấn hiếm hoi giữa một sĩ quan cấp cao trong quân đội Trung Quốc với cơ quan truyền thông nước ngoài.

Chưa bàn đến ADIZ trên biển Đông?

Trả lời báo Asahi Shimbun, Thiếu tướng Tiền Lệ Hoa, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng Trung Quốc), đã tiết lộ ý đồ quân sự sắp tới của Trung Quốc, một vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố các cơ sở quân sự trong khu vực tranh chấp ở biển Đông. Bắc Kinh đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong quá trình bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo phục vụ cho mục đích quân sự ở biển Đông. Tuy nhiên, ông cho biết: “Những động thái này vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai”.

Ông chỉ trích các chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ ở biển Đông và cho rằng các tàu chiến Mỹ hoạt động trong bán kính 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng “chỉ làm phức tạp thêm tình hình”.

Nếu lực lượng phòng vệ của Nhật tham gia các chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ ở biển Đông thì sao? Ông Tiền Lệ Hoa nói: “Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Nhật”.

Ông nhận xét các biện pháp của hải quân Mỹ không phải là mối đe dọa quân sự cấp bách, do đó Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông vào chương trình nghị sự.

Báo Asahi Shimbun ghi nhận từ cuối năm 2015, các tàu khu trục trang bị pháo phòng không của hải quân Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Senkaku của Nhật (đang tranh chấp với Trung Quốc).

Về vấn đề này, ông Tiền Lệ Hoa nói các tàu đó đều là tàu cũ được sơn lại. Ông giải thích: “Để cắt giảm chi phí, chúng tôi sử dụng lại các tàu chiến không còn phù hợp cho mục đích chiến thuật… Hệ thống radar và các thiết bị khác đã được loại bỏ nên các tàu này không được trang bị như tàu hải quân”.

Ông kêu gọi gia tăng đối thoại giữa các quan chức Nhật và Trung Quốc để ngăn chặn đụng độ hải quân xảy ra.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis đang có mặt tại biển Đông và có thể tham gia chiến dịch tuần tra hàng hải sắp tới. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ngân sách tăng do mua sắm vũ khí

Đề cập đến ngân sách quốc phòng, Thiếu tướng Tiền Lệ Hoa nói tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã giảm. Lần đầu tiên trong sáu năm qua, tỉ lệ tăng trong năm nay thấp hơn 10%.

Ông nói: “Về cơ bản, chúng tôi hài lòng vì chúng tôi có thể duy trì tăng trưởng GDP cao hơn năm ngoái”.

Ông khẳng định quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục công tác tuần tra xung quanh vịnh Aden ngoài khơi Somalia. Biện minh cho việc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti (Đông Phi), ông nói đây sẽ là kho cung ứng hỗ trợ cho hoạt động tuần tra của quân đội Trung Quốc.

Đối với các chỉ trích rằng có tình trạng thiếu minh bạch trong ngân sách quốc phòng Trung Quốc, ông phân trần: “Nói chung ngân sách được chia thành ba phần bằng nhau gồm chi phí con người, chi phí cho hoạt động huấn luyện quân sự cũng như tập trận, chi phí mua sắm và sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự”.

Ông xác nhận chi tiêu quốc phòng Trung Quốc trong những năm gần đây gia tăng do chi phí mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự tăng.

Ông cho biết một phần trong công tác nghiên cứu và phát triển vũ khí không được tính trong ngân sách quốc phòng mà được tính vào chi phí của các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm về lĩnh vực này.

Thiếu tướng Tiền Lệ Hoa hiện giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Trung Quốc trong Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP). CSCAP được thành lập vào năm 1994 để thúc đẩy đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực. Các nước thành viên CSCAP có các ủy ban riêng gồm đại diện của chính phủ, quân đội và các học giả. Các thành viên CSCAP thường xuyên gặp mặt để thảo luận về các vấn đề an ninh và đưa ra đề xuất với chính phủ.

- Ngày 31-3 (giờ địa phương), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng theo cách thức hòa bình, đồng thời cần phải duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Hôm trước đó, ông Obama đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Washington.

- Bất chấp ông Tập tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận viện lý do bảo vệ tự do hàng hải để “vi phạm chủ quyền hoặc đe dọa lợi ích an ninh của Trung Quốc”, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết đầu tháng 4, hải quân Mỹ sẽ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo đang tranh chấp ở biển Đông. Chưa rõ đảo nào và tàu loại nào nhưng các chuyên gia cho rằng đó có thể là đá Vành Khăn, nơi Bắc Kinh đã xây sân bay trái phép.

- Tại Indonesia, tối 1-4, Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Susi Pudjiastuti thông báo trong tám ngư dân trên tàu cá Kway Fey của Trung Quốc bị bắt vì đánh bắt trái phép hôm 19-3 ở quần đảo Natuna, ba người bị truy tố gồm thuyền trưởng, máy trưởng và đội trưởng, năm người còn lại sẽ bị trục xuất. Bà tiếp tục yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu cá Kway Fey cho Indonesia (đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc chặn cướp lại). 

DT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm