Úc cần quan tâm đến biển Đông, vì sao?

Trong bài phân tích đăng trên trang web “Sáng kiến về minh bạch hàng hải châu Á” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Mỹ) ngày 4-6, GS Rory Medcalf (*) nhận định Úc nên có lập trường rõ ràng hơn về biển Đông.

Ông ghi nhận tại hội nghị về an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua, dư luận quốc tế chú ý các phát biểu thể hiện thái độ không thỏa hiệp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.

Song song theo đó các từ ngữ trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews cũng thẳng thắn một cách bất thường.

Ông Kevin Andrews nhấn mạnh Úc có lợi ích hợp pháp ở biển Đông, nhất là duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải.

Yêu cầu của Úc đã thể hiện rõ trong tuyên bố chung Úc-Mỹ-Nhật bên lề hội nghị ở Singapore.

Ba bên nhấn mạnh lợi ích chung trong duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải và hàng không, dòng chảy thương mại ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc tôn tạo trái phép trên đá Vành Khăn. Ảnh: EPA

Ba bên phản đối mạnh mẽ việc đơn phương sử dụng vũ lực để ép buộc hoặc làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông. Ba bên bày tỏ quan tâm sâu sắc đối với hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên biển Đông. GS Rory Medcalf cho rằng các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ cần sớm khẳng định lập trường đối với biển Đông, nếu không nguy cơ xảy ra xung đột sẽ rất cao đồng thời tạo tiền lệ không hay. Đó là có quyền đơn phương dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng.

Đối với Úc, do không phải là cường quốc nên an ninh của Úc phụ thuộc vào trật tự khu vực.

Biển Đông với các tuyến đường biển quan trọng đối với Úc. Căng thẳng ở biển Đông thử thách quyết tâm của Mỹ, đồng thời các nước cũng tin tưởng vào kỹ năng ngoại giao của Mỹ. Mỹ là đồng minh mà an ninh Úc phụ thuộc vì vậy vấn đề biển Đông cũng là thách thức của Úc.

Dư luận Úc cho rằng sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews quyết định cho tàu và máy bay Úc cùng với Mỹ tuần tra ở biển Đông là một quyết định khôn ngoan. GS Rory Medcalf đề xuất một giải pháp khác. Đó là Úc đứng ra triệu tập một cuộc đối thoại về quan hệ đối tác an ninh đa phương mới gồm ba nước hoặc nhiều hơn, ví dụ Ấn Độ-Nhật-Đông Nam Á.

Mục đích nhằm cho Trung Quốc thấy chính sách biển Đông hiện nay của họ không có lợi, đồng thời tạo mối liên kết bền vững hơn giữa các nước.

Một lựa chọn khác: Úc có thể tập trung vào đường lối ngoại giao song phương, trong đó cần chú ý lời lẽ ngoại giao khéo léo với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã khôn khéo liên kết vấn đề gìn giữ ổn định ở biển Đông với quyền và lợi ích của các nước trong khu vực.

Chính sách về biển Đông của Mỹ sẽ còn hiệu quả hơn nếu đi kèm với các sáng kiến ​​ngoại giao và sự hỗ trợ nhiều hơn từ các đối tác, theo đó Úc có thể là một đối tác quan trọng trong nỗ lực như vậy.

_____________________________________

(*) GS Rory Medcalf là hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Úc, cộng tác viên không thường xuyên của Viện Chính sách Quốc tế Lowy (Úc).

GS Hugh White, người luôn có quan điểm nhẹ nhàng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng phải thay đổi quan điểm. Trong tác phẩm “Sự lựa chọn Trung Quốc” (The China Choice), GS Hugh White đã cảnh báo các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ nếu nhượng bộ Trung Quốc thì các lợi ích cốt lõi quốc gia sẽ bị lâm nguy.

__________________________________

Các nước nhỏ trong khu vực cần đoàn kết giám sát chặt chẽ chính sách hung hăng của Trung Quốc. Với Úc, khoanh tay đứng nhìn không phải là giải pháp hay, trừ phi Úc thừa nhận yêu sách của Bắc Kinh là đúng. GS RORY MEDCALF

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm