Úc-Indonesia sẽ tuần tra ở biển Đông

Úc và Indonesia đang tiến gần đến hoạt động tuần tra chung ở biển Đông sau khi đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác hàng hải.

Báo The Australian Financial Review (Úc) ngày 31-10 đưa tin trả lời phỏng vấn của báo, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết như trên.

Bà tiết lộ trong hội nghị 2+2 giữa Úc và Indonesia hồi tuần rồi ở Indonesia, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước đã nhất trí “khai thác các khả năng để tăng cường hợp tác hàng hải”.

Bà giải thích: “Điều này có thể bao gồm hoạt động phối hợp trên biển Đông và biển Sulu căn cứ chính sách của Úc về thực hiện các quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế và bảo đảm an ninh khu vực”.

Báo đưa tin hôm 28-10, sau khi hội đàm với người đồng cấp Úc ở Bali, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết: “Chúng tôi đã gợi ý với Úc khả năng tiến hành tuần tra chung ở phần phía đông của biển Đông”.

Ông giải thích: “Đây là tuần tra chung hay tuần tra phối hợp cũng vậy. Hoàn toàn không có ý định gây rối quan hệ (với Trung Quốc). Chúng ta gọi đây là tuần tra hòa bình, tuần tra mang lại hòa bình và bảo vệ đánh bắt cá trong khu vực”.

Tàu Úc và Indonesia đã từng tập trận ở Darwin (Úc) hồi tháng 3-2016. Ảnh: ABC NEWS

Theo báo The Sydney Morning Herald ngày 31-10, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cho biết vấn đề biển Đông đã được nêu ra trong các cuộc họp có bà tham dự ở Jakarta hồi tuần trước, kể cả trong cuộc gặp với Tổng thống Joko Widodo.

Bà xác nhận: “Chúng tôi đã trao đổi về biển Đông và vấn đề phát triển với Philippines”.

Bà nói: “Chúng tôi đã yêu cầu phải duy trì trật tự dựa trên các nguyên tắc để bảo đảm hòa bình và ổn định ở biển Đông”.

Chuyên gia Aaron Connelly ở Viện Nghiên cứu Lowy ghi nhận hoạt động phối hợp giữa Indonesia với Úc có thể được xem như phát tín hiệu đến Trung Quốc, đặc biệt nếu hoạt động này diễn ra trong các khu vực nhạy cảm như quần đảo Natuna hay quần đảo Trường Sa.

Chuyên gia  Ashley Townshend ở Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại ĐH Sydney nhận xét: “Nếu có làm thì không nên phát tín hiệu thực hiện tuần tra tự do hàng hải. Như vậy đi ngược với mục đích tuần tra và gây căng thẳng vô ích với Trung Quốc”.

Chuyên gia Connie Rahakundini Bakrie ở ĐH Indonesia cảnh báo nếu Indonesia không tuần tra chung với Trung Quốc mà chỉ tuần tra với Úc, Trung Quốc sẽ cho rằng hoạt động này nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Melda Kamil Ariadno cũng ở ĐH Indonesia ghi nhận tuần tra chung nhằm mục đích củng cố an ninh trên biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế thì không liên quan đến chủ quyền.

Bà nói: “Một bên đơn phương yêu sách đòi khu vực này thuộc về một nước duy nhất là điều không thể. Trung Quốc phải nhận thấy không thể làm thế mà phải thảo luận ngay bộ quy tắc ứng xử (trên biển Đông)”.

Ngày 1-11, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đến thăm Trung Quốc trong sáu ngày. AP ghi nhận sau Tổng thống Duterte, thủ tướng Malaysia là lãnh đạo một quốc gia tranh chấp trên biển Đông đến thăm Trung Quốc. Báo chí Malaysia đưa tin trong chuyến thăm, Thủ tướng Najib Razak sẽ chứng kiến ký kết hơn 10 thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về quốc phòng và hợp tác kinh tế.

Không có thỏa thuận gì hết. Nhưng tổng thống của chúng tôi nghĩ rằng ngư dân chúng tôi không còn bị quấy nhiễu nữa vì ông đã nêu vấn đề trong chuyến thăm Trung Quốc. Cảnh sát biển Trung Quốc còn ở đó (bãi cạn Scarborough) nhưng hải quân thì rút rồi. 

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines
HERMOGENES ESPERON

____________________________________

Trung Quốc tiếp tục thực hiện quyền kiểm soát bình thường với đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough) và tình hình không có gì thay đổi. Quan hệ hai nước đã cải thiện đáng kể. Từ nay Trung Quốc sẽ có những sắp xếp liên quan đến một số vấn đề Tổng thống Duterte quan tâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
HOA XUÂN OÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm