Vấn đề biển Đông nóng trước hội nghị ASEAN

Ngày 17-11, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 với các hội nghị cấp cao liên quan khai mạc ở Bali (Indonesia).

Phó Tổng Thư ký ASEAN Sundram Pushpanathan thông báo hội nghị sẽ xem xét lại tiến độ xây dựng kế hoạch thành lập thị trường chung ASEAN vào năm 2015 trong bối cảnh châu Âu khủng hoảng và thị trường xuất khẩu có thể thu hẹp.

Tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đã trở thành chủ đề nóng trước thềm hội nghị.

Ngày 16-11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã ký Tuyên bố Manila trên chiến hạm USS Fitzgerald. Tuyên bố kêu gọi đàm phán hòa bình đa phương để giải quyết tranh chấp trên biển như ở biển Đông. Tuyên bố kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải, quyền thương mại và đi qua hợp pháp, không bị đe dọa trên biển.

Bà Hillary Clinton khẳng định Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng các nước không được đe dọa để xác lập chủ quyền và tranh chấp phải được giải quyết thông qua Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Vấn đề biển Đông nóng trước hội nghị ASEAN ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario ký Tuyên bố Manila trên chiến hạm USS Fitzgerald ở vịnh Manila (Philippines) ngày 16-11. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngoại trưởng Albert del Rosario tái khẳng định Philippines sẽ đưa vấn đề tranh chấp ra LHQ phân xử.

Cùng ngày, hội nghị của Hội đồng Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN lần thứ 6 ở Bali đã nhất trí việc thông qua Quy tắc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) hồi tháng 7 đã tạo thuận lợi và xây dựng niềm tin của các bên liên quan.

Tại hội nghị, các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã nhất trí phối hợp trong năm lĩnh vực gồm an ninh hàng hải, giữ gìn hòa bình, công nghiệp quốc phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ nhân đạo.

Trong ngày 16-11, hội nghị bộ trưởng Kinh tế ASEAN ở Bali đã thảo luận về việc Hong Kong xin tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc. Hội nghị cũng thảo luận các phương thức mở rộng khu vực mậu dịch tự do ASEAN+1 giữa ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand, Úc.

Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cùng ngày đã nhất trí về hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ). Nhóm P-5 gồm năm nước sở hữu vũ khí hạt nhân (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã nhất trí sẽ ký SEANWFZ. Hôm trước đó, hội nghị chấp thuận trao ghế chủ tịch ASEAN cho Myanmar vào năm 2014.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư ASEAN, hội nghị giám đốc các cơ quan đầu tư ASEAN đã nhất trí thúc đẩy đầu tư trong khu vực; trao đổi thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy đầu tư.

Mỹ: Ngày 16-11, Tổng thống Obama bắt đầu chuyến thăm Úc trong 28 tiếng. Ông tuyên bố sẽ củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Úc, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược của Úc và châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Úc Julia Gillard tuyên bố lực lượng đầu tiên của Mỹ gồm 250 lính thủy đánh bộ sẽ được triển khai ở miền bắc Úc từ giữa năm 2012 để củng cố quan hệ quân sự Mỹ-Úc và quân số có thể tăng lên đến 2.500 người.

Trung Quốc: Sáng ngày 16-11, Bộ Ngoại giao đã công bố tài liệu về 20 năm hợp tác Trung Quốc-ASEAN (1991-2011). Về biển Đông, tài liệu khẳng định tháng 12-2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông thể hiện mong muốn của hai bên là thúc đẩy vững mạnh quan hệ đối tác, tin tưởng lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Tháng 7-2011, Trung Quốc và ASEAN cũng đã thống nhất về Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC.

TNL - THIÊN ÂN (Theo AFP, China Daily)

LÊ LINH (Theo Reuters, AFP, Jakarta Post, Antara)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm