Việt Nam sẽ là chủ tịch APEC năm 2017

Sau hai ngày làm việc, ngày 8-10, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 tại Bali (Indonesia) đã bế mạc.

Tuyên bố chung APEC

Trang web APEC cho biết tuyên bố chung của hội nghị gồm các điểm quan trọng:

- Ghi nhận tăng trưởng toàn cầu còn quá yếu, rủi ro suy thoái vẫn còn, thương mại toàn cầu đang yếu.

- Nhất trí hướng đến mục tiêu hội nhập toàn diện các nền kinh tế trong khu vực.

- Cam kết thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và có trách nhiệm nhằm bảo đảm hiệu quả tăng trưởng chung, duy trì ổn định kinh tế và tài chính trong khu vực.

- Nhất trí thúc đẩy kết nối trong khu vực về cơ sở hạ tầng lẫn con người.

- Cam kết thực hiện các giải pháp khả thi nhằm tăng cường sự phục hồi, duy trì tăng trưởng, cải thiện phúc lợi cho dân.

- Nhất trí lùi lại một năm (đến năm 2016) đối với cam kết không đưa ra thêm các biện pháp bảo hộ thương mại mới.

- Khẳng định quyết tâm đạt được kết quả thành công tại Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ chín ở Bali vào tháng 12 tới.

- Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và nhất trí đạt các mục tiêu Bogor về mở cửa và tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Việt Nam sẽ là chủ tịch APEC năm 2017 ảnh 1

Ngày 8-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao APEC. Ảnh: TTXVN

Theo báo Jakarta Post (Indonesia), phát biểu với báo chí sau hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono nhận định hội nghị đã thành công tốt đẹp với việc khẳng định cam kết đạt tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và toàn diện.

Cùng ngày tại Bali, lãnh đạo 12 nước đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ra tuyên bố chung cam kết hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay. Tuyên bố chung kêu gọi TTP phải cân nhắc trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các nước thành viên.

Phát biểu với báo chí sau hội nghị, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ghi nhận 12 nước tham gia đàm phán vẫn đang gặp khó khăn trong đàm phán một số lĩnh vực như tài sản trí tuệ, thuế quan và môi trường.

Lần thứ hai Việt Nam tổ chức APEC

Tại Bali (Indonesia), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu với tựa đề “Đăng cai hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017, Việt Nam chủ động, tích cực tham gia hợp tác APEC và hội nhập châu Á-Thái Bình Dương”. TTXVN giới thiệu toàn văn phát biểu như sau:

“Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 vừa diễn ra tại Bali của Indonesia đã quyết định Việt Nam là chủ tịch Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra năm 2017. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bè bạn tín nhiệm dành cho trọng trách đăng cai APEC, thể hiện vị thế không ngừng nâng cao của đất nước trên trường quốc tế. Việc đăng cai Hội nghị cấp cao APEC thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng thời cho thấy tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á-Thái Bình Dương cũng như nguyện vọng đóng góp đầy trách nhiệm của chúng ta đối với các vấn đề chung ở khu vực.Là đầu tàu tăng trưởng và liên kết của thế giới, châu Á-Thái Bình Dương cũng chính là khu vực hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, các đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Việc tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào cộng đồng ASEAN, vào diễn đàn APEC và các khuôn khổ hợp tác khác ở khu vực giúp chúng ta giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước. Tiến trình hội nhập cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho các địa phương, cho cộng đồng doanh nghiệp và cho nhân dân ta.

Với tư cách chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, chúng ta có được cơ hội quý báu để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển.Đây cũng là dịp vun đắp hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân ta với bè bạn quốc tế, là dịp để các đối tác, các doanh nghiệp, các tổ chức khu vực và quốc tế... hiểu rõ thêm về truyền thống lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, cũng như nhiều đặc sản của các vùng miền đất nước Việt Nam ta.

Chia sẻ với bè bạn quốc tế về tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á-Thái Bình Dương, đất nước ta, nhân dân ta sẽ vững bước đi lên trên con đường hội nhập toàn diện với tinh thần tự tin và sáng tạo”.

Ngày 8-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có bài phát biểu “Tăng trưởng bền vững gắn liền với an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”.

Bên lề hội nghị APEC, ngày 8-10, Tổng thống Putin đã nêu tình hình phá hủy vũ khí hóa học ở Syria với Ngoại trưởng John Kerry. Hai bên thông hiểu nhau về tiến trình thực hiện và cách thức tiến hành. Hôm 7-10, tại cuộc gặp Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc mong muốn cải thiện hợp tác với Nga về bảo đảm an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Shinzo Abe, Nga khen ngợi công thức “không có người thắng, kẻ thua” của Nhật là cách tiếp cận tốt nhất trong vấn đề ký kết hiệp định hòa bình giữa hai nước.

Ngày 8-10, các lãnh đạo APEC ra tuyên bố đặc biệt ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ chín tại Bali tháng 12 tới. Tuyên bố nói hệ thống thương mại đa phương vững mạnh sẽ giúp mở rộng thương mại, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và phát triển bền vững. Tuyên bố ghi nhận vòng đàm phán Doha của WTO đang gặp bế tắc và các lãnh đạo APEC đã nỗ lực đến phút cuối để đưa đàm phán trở lại tiến trình bình thường. Các lãnh đạo cũng kêu gọi các thành viên của WTO, đặc biệt là các nước lớn phải chứng tỏ ý chí chính trị và sự linh động cần thiết nhằm mang lại kết quả tích cực tại Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ chín.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm