Xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia: Hai bên chấp nhận đàm phán

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đại diện cho nước chủ tịch ASEAN được mời tham dự.

Xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia: Hai bên chấp nhận đàm phán ảnh 1

Ngày 9-2, quân đội Thái Lan điều động xe tăng tăng cường về tỉnh biên giới Si Sa Ket. Ảnh: REUTERS

- Ngày 9-2, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố có thể không kéo dài hết nhiệm kỳ đến tháng 12 mà sẽ giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử trong nửa đầu năm nếu đạt được ba mục tiêu quan trọng: Kinh tế phục hồi tốt, hoàn thành sửa đổi hiến pháp và bạo lực chính trị chấm dứt.

- Cùng ngày, tại hội nghị về quan hệ Thái Lan-Campuchia do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Thái Lan tổ chức, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya đã nặng lời gọi Thủ tướng Hun Sen là “cậu bé du côn”.

Bộ Ngoại giao Thái Lan tuyên bố Ngoại trưởng Kasit Piromya sẽ dự họp để giải thích tình hình. Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cũng cùng có mặt. Hôm trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã điện đàm với hai thủ tướng Campuchia và Thái Lan và đề nghị LHQ giúp đỡ hai bên đàm phán.

Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết ông và người đồng cấp Hor Namhong của Campuchia đã đồng ý sẽ đàm phán tại một nước thứ ba. Bộ Ngoại giao Thái Lan và bà đại sứ Campuchia tại Thái Lan You Ay cũng đã đồng ý đưa vấn đề biên giới ra thảo luận tại Ủy ban Biên giới chung Thái Lan-Campuchia vào cuối tháng này.

Bà You Ay cho biết nếu ủy ban nêu trên giải quyết không thỏa đáng, Campuchia sẽ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế (năm 1962, tòa án quốc tế phán quyết đền Preah Vihear thuộc lãnh thổ Campuchia).

Thứ trưởng Tài chính Thái Lan Pradit Phataraprasit tuyên bố dù tình hình căng thẳng nhưng sẽ không đóng cửa các trạm hải quan dọc biên giới với Campuchia.

Ngày 9-2, giao tranh không xảy ra tại khu vực đền cổ Preah Vihear của Campuchia nhưng binh sĩ hai bên đều sẵn sàng chiến đấu. Trong ngày, Thái Lan đã triển khai ít nhất 10 xe tăng đến tỉnh biên giới Si Sa Ket (giáp tỉnh Oddar Meancheay và tỉnh Preah Vihear của Campuchia).

Một phái đoàn nghị sĩ Campuchia đã đến thăm binh sĩ đồn trú tại khu vực đền Preah Vihear. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan và tổng tham mưu trưởng cùng một số tướng lĩnh của Thái Lan cũng đến huyện Kantharalak thuộc tỉnh Si Sa Ket để ủy lạo binh sĩ.

Trong ngày 9-2, khoảng 300 người dân ở huyện Kantharalak đã tụ tập phản đối kế hoạch đến thăm tỉnh của Liên minh nhân dân vì dân chủ (phe áo vàng) vào hôm nay (10-2). Họ cho rằng phe áo vàng đã gây ra xung đột biên giới và họ không muốn cuộc thăm viếng làm tình hình tệ hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon cũng lo ngại kế hoạch này sẽ làm tình hình thêm phức tạp.

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 9-2 dẫn nguồn tin quân đội Thái Lan cho biết Trung tướng Hun Manet, con trai trưởng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đã bị thương trong khi chỉ huy cuộc giao tranh ngày 6-2. Trước đó, Thủ tướng Hun Sen xác nhận con trai có mặt tại vùng xung đột với nhiệm vụ chính là thương lượng với các tướng Thái Lan về tình hình biên giới.

Tiêu điểm

8

người chết, 78 người bị thương trong bốn ngày giao tranh giữa binh sĩ hai nước Thái Lan và Campuchia theo công bố ngày 9-2 của Bộ Ngoại giao hai nước. Thái Lan có ba người chết, 33 người bị thương. Campuchia có năm người chết, 45 người bị thương. Hơn 20.000 dân Thái Lan và hơn 3.000 gia đình Campuchia ở khu vực biên giới phải đi sơ tán.

THIÊN ÂN (Theo Bangkok Post, The Nation, Phnom Penh Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm