Bác sĩ gia đình: Tốt nhưng còn ngổn ngang

“Đau nhức đỡ chưa chị? Cũng đỡ rồi, tôi còn uống thêm thuốc Nam. Chị coi chừng uống thuốc Nam có thuốc pha trộn, chất bảo quản gây hại cho gan. Tuổi của chị đau nhức khó tránh khỏi, cần tập thể dục cho lưu không khí huyết. Chị đi bộ được không? Dạ, cũng được nhưng chỉ mới tập phần chân, còn phải tập các phần trên”.

Đó là đoạn đối thoại hỏi thăm bệnh tình giữa BS Nguyễn Thanh Bình và bệnh nhân Phạm Thị Phụng tại Phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ), BV quận 10 (TP.HCM) trưa 8-3.

Bệnh nhân được theo dõi rất kỹ

Bà Phụng cho biết 10 năm trước bà được phát hiện bệnh tiểu đường, tim mạch, theo điều trị tại BV quận 10. Từ khi có BSGĐ thì bà theo luôn. “Khám ở đây thoải mái lắm, BS khám kỹ hơn. Cứ mỗi tháng khám một lần, giờ không gặp BS là không chịu được” - bà Phụng vui vẻ nói.

Bên ngoài phòng khám BSGĐ, bà Nguyễn Thị Á, 79 tuổi (quận 7) đang ngồi chờ lấy thuốc. Bà Á cho biết mình bị huyết áp, tim mạch, hen suyễn, viêm phế quản, dù nhà bà ở tận quận 7 nhưng lại đi khám BSGĐ tại quận 10 đã hơn bốn năm nay.

“BS Thủy khám, theo dõi và biết bệnh mình như thế nào nên rất tin tưởng. Hai hôm nay tôi đau nhức nên khai thêm. BS Thủy cho tôi thêm thuốc Đông y để uống và không cần phải chuyển viện, rất ổn. Mỗi lần khám, lấy thuốc tôi tốn trên dưới 100.000 đồng”.

“Chúng tôi tổ chức khám BSGĐ từ 5 giờ sáng, thông trưa và đến tận 8 giờ tối từ thứ Hai đến thứ Bảy và cả sáng Chủ nhật. Bệnh nhân nếu bận thì có thể hẹn ngày, giờ và đến thì được khám ngay. Hiện BV có chín phòng khám, mỗi phòng chỉ khám 40-45 người/ngày. Năm 2015, BV đã quản lý 17.000 bệnh nhân với 82.000 lượt khám” - BS Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc BV quận 10, nói.

BSGĐ BV quận 10 TP.HCM đang thăm khám bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN

Trả khám ngoại trú về cơ sở

Không phải ai cũng biết BSGĐ là cái gì nếu không được tuyên truyền phổ biến thường xuyên. Chẳng hạn như bà Ngọc Anh dù được BSGĐ phường 10, quận 10 chăm sóc hằng tháng và bà chỉ việc lên quận lấy thuốc nhưng hỏi bà BSGĐ là như thế nào thì bà lắc đầu.

“Phường được chọn thí điểm triển khai BSGĐ ở trạm y tế phường/xã từ năm 2013, có 194 bệnh nhân đến đăng ký nhưng khám thường chỉ có 50-60 bệnh nhân, số còn lại khám 1-2 lần rồi biệt tăm. Bệnh nhân đăng ký khám chủ yếu là bệnh mạn tính, rồi cho toa họ lên BV quận lãnh thuốc. Nhưng bệnh nhân bảo mất công đi hai nơi, thôi lần sau lên quận khám luôn cho khỏe. Còn nếu cho thuốc ở phường, kê bốn loại thì chỉ có hai loại, hai loại còn lại phải lên BV quận lãnh. Cuối cùng bệnh nhân cũng kêu thôi lên quận khám cho rồi!” - BS Lâm Thị Ngọc Bích, Trưởng trạm Y tế phường 10, quận 10 (TP.HCM) cũng làm BSGĐ tâm sự.

BS Tùng cho biết thêm: “Khi triển khai BSGĐ, BV đưa thuốc về nhưng ba tháng phải gom lại vì không có bệnh nhân đến. Thuốc hết hạn sử dụng thì BHYT không thanh toán, mà BS không có bệnh nhân thì tay nghề sẽ lụt”.

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Trưởng bộ môn y học gia đình, nhìn nhận: Thật ra phải nhìn đúng bản chất của vấn đề, người dân cần gì? Cần sự chăm sóc đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém nhất, cả Nhà nước cũng muốn như vậy.

“Nói đơn giản, BS A là BSGĐ, nếu khám ngoại trú ở BV Nhân dân 115 cho bệnh nhân suyễn thì sẽ giải quyết được tất cả thuốc cho bệnh nhân. Nhưng nếu BS A khám ngoại trú tại BV quận 10 thì sẽ bị “phế võ công” một phần. Cũng BS A và bệnh nhân trên xuống trạm y tế khám thì BS và bệnh nhân chỉ nhìn nhau… cười thôi!” - PGS-TS Hiệp ví von.

Theo PGS-TS Hiệp, cùng một bệnh nhân, một nhu cầu nhưng ở những vị trí khác nhau thì làm được khác nhau. Như vậy phải trả điều kiện khám ngoại trú ở BV tuyến trên xuống tận nơi cơ sở, chỉ đơn giản như vậy thôi.

Trạm y tế sẽ phối hợp, điều phối BSGĐ ở phường/xã

BS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng trạm y tế sẽ là nơi phối hợp, điều phối BSGĐ ở phường/xã. BSGĐ là BS gần dân - đến dân nhưng có những trạm y tế xa dân, vậy trạm y tế là nơi làm mẫu cho giai đoạn chuyển tiếp, là trụ sở, hội họp, điều phối và giúp cho các BS tư chứ không phải là làm phòng khám BSGĐ.

PGS-TS Hiệp cho rằng khi làm BSGĐ thì phải lập lại trật tự. Để lột xác được ngành y tế thì cần có chỉ huy cao nhất. Phải có người ủi cái nếp này thẳng lại, làm cho BV ra BV, y tế cơ sở ra y tế cơ sở, BHYT ra BHYT. Nhà nước phải quyết liệt và chính sách là phải bền vững.

Phải xuống tận cơ sở mà làm chính sách

Khi làm chính sách y tế thì phải xuống tận các BS phòng khám vì họ là người trực tiếp làm việc, nắm được tâm tư nguyện vọng của người bệnh. Việt Nam hiện đã có sẵn hệ thống y tế phường/xã, chỉ cần cải thiện về nội bộ, năng lực BS và một số thiết bị cơ bản.

Về chi trả tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam hơi khó (Thổ Nhĩ Kỳ nhà nước lo miễn phí), do vậy có thể kết hợp từ ngân sách nhà nước và BHYT chi trả. Không được phân biệt người có hay không có BHYT bởi tiền từ ngân sách là để ngăn ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân.

Quan trọng nhất là mọi người dân đều được tiếp nhận dịch vụ y tế chi phí hợp lý, chất lượng và công bằng. Lượng người cần chăm sóc sức khỏe ban đầu rất cao nhưng chi phí thấp hơn nhiều so với điều trị tại các BV.

GS Akdag Recep, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ,
chuyên gia cao cấp BSGĐ Bộ Y tế Việt Nam

Hiện nay BSGĐ còn rất ngổn ngang nhưng nếu có luật và các chính sách thì sẽ lập lại được trật tự vào năm 2020. Thí dụ như một BS tư, sau ba năm vận động tạo điều kiện tập huấn, hỗ trợ về chính sách… mà không làm BSGĐ thì sẽ rút chứng chỉ hành nghề!

BS NGUYỄN THẾ DŨNG, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm