Lang nào đáng… băm?

Liệu bên ta có nên chú trọng phong cách của ngành y, thay vì chỉ đua nhau đánh giá chất lượng của cơ sở y tế qua chiếc máy chụp ảnh cắt lát đời mới mà quên thanh tra nhà… vệ sinh?

Ngôn ngữ xứ mình khéo ở chỗ ngắn gọn nhưng chính xác. Thầy thuốc y học cổ truyền từ bao đời được người dân thôn quê quý mến được gọi là “lang ta”. Thầy thuốc hành nghề đúng định nghĩa vừa làm thầy vừa làm thuốc, cho dù không cần học vị giáo sư, tiến sĩ… vẫn được ưu ái nâng cấp một cách kính trọng thành “thầy lang”. Còn bệnh nhân tìm không ra thầy, chạy không đúng thuốc lại rơi vào tai lời quảng cáo ngọt xớt về thần y nào đó trên trời rơi xuống thì bảo là tử vi gặp hạn “lang băm” nên tiền mất tật mang như giai nhân giữa đường rơi vào tay “lang sói”!

Ngọt mật chết ruồi

Ngay cả ở quốc gia đã có nền y tế với cấu trúc ổn định như ở CHLB Đức, lời đồn, lang băm, thuốc thánh… vẫn là chuyện thường tình. Cơ quan kiểm soát thầy thuốc bên Đức không hề đặt nặng khả năng chuyên sâu mà chỉ nhấn mạnh về thầy thuốc tốt, về thầy thuốc coi trọng lương tâm và y đức. Điều đó cho thấy người bệnh vẫn thường coi trọng thầy thuốc tốt hơn nhà điều trị giỏi. Bằng chứng là ở nước ta, nếu thống kê tất cả vụ lơ đễnh thế nào để mất mạng sản phụ và thai nhi, cưa nhầm chân lành, ngủ quên thay vì chuyển viện kịp thời…, bệnh nhân không hề ca thán vì thầy yếu tay nghề nhưng phẫn uất tột cùng vì thái độ của thầy, của lãnh đạo bệnh viện khi bệnh nhân mất cho mỗi một món không thể tìm lại: Mất mạng!

Nhà điều trị đáng tin cậy là người chẩn đoán bệnh một cách toàn diện thay vì đau đâu khám đó.

Chọn mặt gửi…!

Trông mặt không hẳn lúc nào cũng bắt đúng hình dong nhưng có còn hơn không. Theo y sĩ đoàn bên Đức, nhà điều trị đáng tin cậy là người:

• Có phòng khám không cần sang trọng nhưng khang trang, ngăn nắp và sạch sẽ.

• Có đội ngũ nhân sự thân ái và nhiệt tình.

• Lưu ý yếu tố tâm lý của người bệnh thay vì chỉ tập trung vào kết quả của chẩn đoán hình ảnh.

• Chẩn đoán bệnh một cách toàn diện thay vì đau đâu khám đó.

• Giải đáp câu hỏi của bệnh nhân với ngôn từ dễ hiểu thay cho thuật ngữ y khoa nghe như tiếng… nước ngoài.

• Giải thích tường tận về cơ chế tác dụng và hình thức áp dụng của liệu pháp dự kiến.

• Khuyến khích bệnh nhân về các biện pháp đi kèm, từ chế độ dinh dưỡng cho đến vật lý trị liệu thay vì chỉ biên toa như viết sớ.

• Mạnh dạn trình bày giới hạn cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra của liệu pháp.

• Chủ động tìm kiếm cách điều trị thích hợp với cơ tạng và khả năng tài chính hạn hẹp của bệnh nhân thay vì phớt lờ dù bệnh nhân xanh mặt khi nghĩ đến cảnh bán nhà để mua thuốc!

• Không ngại phối hợp với đồng nghiệp chuyên khoa khác thay vì múa gậy vườn hoang như chợ này chỉ có mình ông.

• Không ngại tra cứu sách vở trước mặt bệnh nhân để chắc chắn về chẩn đoán và điều trị thay vì sợ mất mặt dù bệnh nhân là người thiệt thòi.

• Thuyết phục nhưng vẫn tôn trọng quyết định của bệnh nhân thay vì áp đặt theo kiểu ban phát.

• Không áp dụng liệu pháp chưa có cơ sở khoa học.

• Sẵn sàng chuyển bệnh sang tuyến khác cao hơn, chuyên khoa sâu hơn nếu không đạt được hiệu quả mong muốn trong thời gian ngắn, thay vì tiếp tục cho toa y như cũ dù không hiệu quả.

• Thông báo rõ ràng về thù lao thay vì nhập nhằng tính trước cộng sau.

• Thành thật thông báo cho bệnh nhân tìm thầy khác sau thời gian điều trị không thấy hiệu quả.

Coi chừng thầy thuốc họ hứa tên lèo

Huy chương nào cũng có tối thiểu hai mặt. Cũng theo y sĩ đoàn bên Đức, nên nhanh chân tránh xa các nhà điều trị có “cá tính” dưới đây:

• Phát biểu cường điệu với khuynh hướng công kích liệu pháp và thầy thuốc khác.

• Hứa chữa lành bệnh dễ như trở bàn tay dù xưa nay chưa ai nghe nói về thành quả của thầy.

• Bảo đảm bệnh không tái phát bất cần cơ sở khoa học.

• Bề ngoài ra vẻ dị hợm hay cố tình gây ấn tượng huyền bí như người trên hành tinh khác.

• Áp dụng liệu pháp đắt tiền với khuynh hướng càng lúc càng móc thêm cho cạn túi bệnh nhân trong khi hiệu quả chỉ là ảo ảnh hứa lèo.

• Chữa bệnh theo kiểu đại trà ai cũng như ai với toa thuốc thiếu điều in sẵn.

• Sẵn sàng tuân thủ đòi hỏi của bệnh nhân cho dù vô lý, miễn là tiền trao cháo múc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.